Bố tôi từng bị những người ở đất nước này gọi bằng nhiều cái tên khủng
khiếp. Thôi được, ông không phải là Gandhi hay Đức Phật, nhưng thành
thật mà nói, ông cũng chẳng phải là Hitler hay Stalin. Ông nằm đâu đấy ở
lưng chừng. Nhưng điều tôi muốn biết là, quan điểm của bạn về bố tôi nói
lên điều gì về bạn?
Khi một kẻ đến với cuộc đời và chạm đến những cái đáy tồi tệ nhất mà con
người có thể chìm tới, thì chúng ta luôn gọi người ấy là một con quái vật,
hay kẻ xấu, hay hiện thân của cái xấu, nhưng không bao giờ có bất kì gợi ý
hoặc đề nghị nghiêm túc nào về chuyện có gì đó thực sự siêu nhiên hoặc phi
hiện thực về con người này. Người ấy có thể là một kẻ độc ác, nhưng anh ta
cũng chỉ là một con người. Nhưng khi một người phi thường sống ở mặt
bên kia của lăng kính, thì người tốt, nổi lên trên bề mặt, như Jesus hoặc Đức
Phật, lập tức chúng ta nâng tầm anh ta lên thành Thượng đế, thành thánh,
thành cái gì đó thiêng liêng, siêu thực, phi hiện thực. Đây là sự phản chiếu
cách chúng ta nhìn bản thân mình. Chúng ta chẳng mấy khó khăn khi tin
rằng sinh vật tồi tệ nhất gây hại nhiều nhất chính là một con người, nhưng
chúng ta tuyệt đối không thể tin rằng sinh vật tốt nhất, kẻ cố gắng để khơi
gợi trí tưởng tượng, tính sáng tạo, và lòng thương người, có thể là một
người trong số chúng ta. Chúng ta đơn giản là không nghĩ tốt về bản thân
mình, mà chỉ rất sẵn lòng nghĩ xấu như vậy.
Viết thế có lẽ được rồi. Một đoạn kết hay, khó hiểu, lạc đề. Làm tốt lắm, tôi
ơi. Tôi bỏ nó vào bì thư gửi cho Anouk tại Bộ phận Tin tức Hobbs, đi đến
ngân hàng để kiểm tra tiền trong tài khoản, rồi đón một chiếc taxi đi sân
bay. Lần này tôi sẽ rời khỏi đất nước bằng chính tên của mình.
“Tôi muốn mua một vé đi châu Âu,” tôi nói với người phụ nữ không nở nụ
cười tại quầy vé.
“Châu Âu chỗ nào?”
“Hỏi hay lắm. Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó.”