Ông Thuận chỉ hơi ngẩng lên, truyền đạt mấy thông tin nọ cho Toàn, rồi
lại chúi xuống bàn cờ, nhấc con cờ, đánh một nước pháo lồng.
Toàn chào hai ông láng giềng, rồi mở khóa và đứng lặng trước căn
buồng của mình.
Căn buồng hăm tư mét vuông. Mái ngói. Lát gạch hoa. Nho nhỏ, xinh
xinh. Thoang thoảng hơi ấm của đời sống gia đình. Một gia đình nền nếp,
yêu thương nhau trước một viễn cảnh thật tươi đẹp, thật êm đềm. Tươi đẹp
quá! Êm đềm quá! Vì nếu không có chiến tranh thì chắc chắn Toàn đã có
thể đặt vấn đề với tổ chức để chuyển công tác về Hà Nội rồi. Toàn đã công
tác ở tỉnh miền núi Hoàng Liên hơn mười năm. Đã quá hạn ngạch Nhà nước
quy định. Thêm nữa, vào tuổi ba mươi hai, nhận ra mình đã phát lộ chút
năng khiếu văn chương, Toàn thấy đã đến lúc cần phải được nhuần thấm
các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, và rèn giũa mình nơi trường văn
trận bút ở chốn đô hội này. Toàn sẽ về Hà Nội và lúc ấy Phong đã tốt nghiệp
kỹ sư Hóa Máy Bách khoa, sẽ xin công tác ở đây để hợp lý hóa gia đình -
một gia đình hai vợ chồng và hai đứa con, một gái một trai khỏe mạnh, xinh
tươi, thuận hòa, hạnh ph
Quả nhiên căn buồng còn lưu giữ hơi ấm gia đình quen thuộc thật.
Phong mới từ Thất Khê, Lạng Sơn về đây ở một hôm và ra đi hôm qua.
Quanh quẩn đâu đây bóng hình, hương thơm từ mái tóc, làn da Phong.
Cùng lá thư Phong để sẵn trên cái gối bông với nét bút quen thuộc của
Phong: “Em về mua ít dầu nấu và mấy cân mì sợi. Bé Ngân và bé Thủy
ngoan, cứng cáp nhiều. Tiếc không gặp anh. Em để lại cho anh chục trứng
vịt. Vịt Thất Khê sẵn lắm! Vì em có linh cảm sắp tới thế nào anh cũng qua
Hà Nội. Công việc của anh có thuận không? Thương anh. Hôn anh nhiều”.
Toàn ngồi lặng đi. Ngùi ngùi thương Phong, thương bé Ngân, bé Thủy
và thương mình. Bỗng thấy hình như mình mới chỉ ao ước sống chứ đâu đã
được sống. Bỗng thấy nao nao buồn. Bao giờ? Bao giờ nhỉ sẽ không còn xa
cách, sẽ được đoàn tụ với Phong và bé Ngân, bé Thủy? Bao giờ được chọn