Toàn rụt rè, ủy mị, Toàn không coi thường ai, Toàn trân trọng các giá trị, dù
là nhỏ nhoi nhất, nhưng Toàn rất cao ngạo về bản thân mình. Toàn kiêu
hãnh ngầm; ý thức về giá trị tự thân của Toàn mạnh mẽ đến mức Toàn
không thể chịu nổi mảy may sự khinh thường. Đến mức như lúc này đây,
Toàn thấy, không thể kéo dài mãi công việc này, công việc của một kẻ ở vị
trí phụ thuộc, bị coi thường. Cảm giác về cái thân phận bọt bèo của mình
xuất hiện từ buổi bị điều động về O Tròn lúc này dâng lên nghèn nghẹn
lồng ngực, khiến Toàn tức thở và ứa nước mắt.
Thiếp đi trong những ý nghĩ buồn thương, Toàn thức giấc vì nghe thấy
tiếng ông Thuận xích lô ồm ồm ở ngoài sân:
- May cho cậu đấy. Anh Toàn anh ấy vừa về đoạ
Toàn mở cửa. Bất ngờ quá! Trước khuôn cửa là một anh bộ đội đeo quân
hàm thượng sĩ, vóc hình cân đối, đẹp khỏe khoắn, mặt tròn, hàm răng trắng
bóng, có nụ cười rất tươi:
- Thầy Toàn!
- Trời! Phiêu! Trương Công Phiêu!
Hai người ôm chầm lầy nhau. Rối rít, Toàn kéo cậu học trò cưng ra
ngoài ngõ. Đến quán trà của ông giáo dạy sử về hưu. Anh kéo ghế cho
Phiêu, gọi hai chén trà và đĩa kẹo lạc. Rồi đăm đăm nhìn chú học trò yêu
của mình Trương Công Phiêu! Trương Công Phiêu mà có lần trò chuyện
với Yên, anh đã nhắc tới đó. Một tấm gương nghị lực, trang thanh niên của
một thế hệ ra đời trong gian khó và bây giờ là chiến tranh. Được dạy một
lớp học trò như Phiêu, làm sao mà anh không yêu nghề, không gắng sức,
không thấy đó là hạnh phúc!
- Thế nào mà biết đến đây tìm mình?