Cho tới bây giờ, tôi vẫn không rõ là lỗi tại tôi ghi sai địa chỉ hay ông già đi
sai đường lần đầu. Nhưng trong cả hai trường hợp, tôi đều khâm phục sự
trung thực và tử tế hiếm có của ông. Cả ba lần tôi đi taxi ở Ý, tôi đều bị lừa;
còn bốn lần đi taxi ở Đức, lần nào số tiền cũng giống hệt nhau khi tôi đi
cùng đoạn đường. Tôi đưa cho ông già lái xe 25 euro và cảm ơn ông - vì sự
trung thực nhiều hơn là vì số tiền tôi tiết kiệm được.
Ông bà giáo sư Menken ăn mặc chỉnh tề ra đón tôi. Cả hai lần tới đây, dù
là tôi sẽ ở qua đêm, ông bà luôn ăn mặc rất nghiêm chỉnh để đón khách.
Trong nhà, ông bỏ áo khoác cho tôi rồi giúp tôi mang hành lý vào tận
phòng. Sau đó, ông mang nước cho tôi uống còn bà chuẩn bị khăn tắm cho
tôi. Bà nói rằng bữa tối sẽ bắt đầu lúc 7 giờ hoặc sớm hơn nếu tôi đói.
Đúng 7 giờ, bữa tối bắt đầu. Bữa tối có bánh mỳ với mấy loại thịt hun
khói, patê, cá sardine xốt cà chua và một ít salad dưa chuột với cà chua bà
tự làm. Bà giải thích với tôi rằng bữa trưa là bữa ăn chính của người Đức,
còn bữa tối chỉ là ăn bánh mỳ nhẹ thôi. Tôi nói, và tôi hoàn toàn thành thật,
rằng đây là bữa ngon nhất trong nhiều ngày vừa qua của tôi. Cả hai ông bà
rất hài lòng, nhất là bà, vì tôi ăn nhiều.
Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi kể rằng chai rượu đỏ mà tôi mua
biếu ông bà là rượu tôi mua ngay tại lâu đài dòng họ Guicciardini, vốn có
truyền thống làm rượu vàng và dầu ô liu từ thế kỷ XI. Tôi mua chai rượu
này trong chuyến đi xe đạp ở vùng đồng quê Chianti, cách Florence khoảng
hơn một tiếng đi ô tô. Tôi nói đi xe đạp có cả người già và người trẻ; người
trẻ thì hăng hái đạp lúc đầu nhưng sau rồi mất sức rất nhanh, còn người già
đạp chậm nhưng đều đặn và có khi lại đến đích trước. Hai ông bà gật gật
đầu, rồi bà nói với tôi rằng “bởi vì người già có…” - đến đây thì bà không
nhớ ra từ tiếng Anh mà bà muốn dùng. Tôi đang định gợi ý một số từ thì bà
đã “excuse me” rồi đứng dậy đi vào phòng khách. Khi trở lại, bà cầm theo
một cuốn từ điển bỏ túi Anh - Đức. Bà nói một từ tiếng Đức gì đó rồi bắt
đầu tra.