bõm tán gẫu. Hóa ra, họ từ Philippines tới. Tôi nói rằng bảo tàng phải đến 8
giờ 30 mới mở cửa, nhưng người ta có thói quen đến từ sớm để xếp hàng.
Sau khi nghe thông tin này và thấy mới chỉ có khoảng chục người đứng xếp
hàng, hai bà sơ đi ra trước hai cánh cổng kín bằng gỗ của bảo tàng để chụp
ảnh cho nhau. Họ giơ tay giơ chân làm điệu bộ, rồi trêu nhau gì đó và cười
lăn lộn, đến mức phải ngồi xuống cho khỏi ngã. Trông họ giống như hai cô
gái trẻ thân nhau đang đi shopping trong siêu thị chứ không phải hai nữ tu
sĩ. Tôi quan sát họ và cũng thấy vui lây.
Trời buổi sớm có gió lạnh nên những người đứng đợi bắt đầu co ro.
Chẳng mấy chốc, có mấy người phụ nữ mang rất nhiều khăn quàng và mũ
len đến chào bán. Khăn mũ đủ các loại màu sắc, bằng lụa và len, giá từ 3
đến 5 euro. Họ bán những thứ này vì bảo tàng cấm những người mặc quần
sooc và áo cộc tay vào bên trong, những người này phải mua khăn để trùm
lên.
Đến 8 giờ 30, bảo tàng mở cửa. Phòng đầu tiên là các cổ vật và tượng
thần trong Thần thoại Hy Lạp, hầu hết được làm từ trước hay ngay đầu
Công nguyên. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi cần cả tuần mới có thể xem
hết được bảo tàng này, mà tôi chỉ có buổi sáng nay. Vậy là tôi đành bỏ qua
một loạt phòng để đi thẳng tới Nhà nguyện Sistine.
Đường đi tới đó không dễ. Phải đi lên đi xuống các cầu thang hẹp và
xuyên qua các căn phòng đầy những bức tranh trần và tranh tường lớn, vẽ
các tích tôn giáo. Một ý nghĩ cứ trở đi trở lại trong đầu tôi: tại sao ở các nền
văn minh đầu tiên của con người, đời sống nghệ thuật và tôn giáo – tâm linh