Tôi nói có, Sơn vẫn hay đọc sách khuya. Buổi tối chúng tôi hay nằm đọc
sách cạnh nhau, và nói những chuyện vớ vẩn như:
“Anh ơi, Lao Tsu là Lão tử, Sun Tzu làTôn tử, còn Lieh Tzu là gì nhỉ?”
(Nghĩ một lúc) “Không biết, chắc là Lợn tử.”
Bao giờ tôi cũng bật cười vì những câu như thế; Sơn luôn nghĩ ra những
điều kỳ dị và bang bổ nhất để nói về bất cứ ai, không chừa bất cứ một ai.
Có lần tôi cười, bảo Sơn, “Sống với anh cứ như là sống dưới một loa phóng
thanh mà 24 trên 24 toàn nghe thấy tin xấu”. Sơn thì bảo tôi ngây thơ, nhìn
cuộc đời toàn màu hồng. Hai chúng tôi thực sự là hai thái cực. Nhưng tôi có
thể tưởng tượng Sơn nằm trên cái gác xép này đọc sách hồi anh mới hai
mấy tuổi - và “rất hiền”.
Cái gì có thể xảy ra khiến cho những con người hai mươi trở thành
những con người ngoài ba mươi nhìn cuộc đời và con người như thể không
còn bất cứ cái gì thiêng liêng, không còn bất cứ cái gì đáng tin, mọi thứ đều
có thể báng bổ và “nhổ toẹt vào”? Bernard Shaw nói “Nếu anh không theo
chủ nghĩa cộng sản ở tuổi hai mươi, anh không có tim. Nếu anh không theo
chủ nghĩa tư bản ở tuổi ba mươi, anh không có óc”. Hay những xung đột
giữa tôi với Sơn đơn giản chỉ là như thế? Chúng tôi lấy nhau khi tôi đang
giữa tuổi hai mươi còn anh đã sang đến ngưỡng ba mươi? Và bây giờ, khi
tôi bắt đầu sang tuổi ba mươi, Sơn đã ở chỗ nào đó tôi không bắt kịp còn
anh thì không thể nhớ lại và thông cảm?
Tôi rất muốn nhận sách của oma nhưng tôi còn phải đi nhiều trong ba
tuần tới, mà hai cuốn sách to và nặng. Vậy là tôi buộc phải nói với oma
“danke schoen” nhưng tôi không thể mang chúng theo lần này, có thể khi
nào quay lại Berlin tôi sẽ lấy. Tôi nói bằng cách ra hiệu tôi đang kéo va li và
thở nặng nhọc, rồi xoa hai vai tôi và cúi xuống như thể bị hai cuốn sách
kéo. Oma hiểu ý; trông bà thật buồn… Oma bảo tôi cất hai cuốn sách lên
trên gác xép cho bà.