hai người phụ nữ Mỹ thì không sao thản nhiên được. Chúng tôi đưa mắt
nhìn nhau rồi cùng bước lại phía cô gái. Người già hơn trong số hai người
kia hỏi cô gái bằng tiếng Pháp:
“Cô có làm sao không? Chúng tôi có thể giúp gì cho cô không?”
Cô gái quay lại nói: “Non non merci” nhưng liền đó tuôn ra một tràng dài
tiếng Pháp. Cô tiếp tục khoa tay và hồn nhiên kể qua hàng nước mắt một
câu chuyện gì đó với hai người phụ nữ kia; câu chuyện có vẻ liên quan đến
một người bạn trai đã làm cô đau lòng. Ngay cả trong lúc khóc nức nở, hai
má đầm đìa nước, mặt hồng lên vì kích động, và tóc tả tơi, trông cô gái
Paris này quá quyến rũ. Tôi không hiểu chàng trai nào làm cô đau lòng đến
thế. Nếu tôi là đàn ông, tôi sẽ ôm lấy cô mà an ủi. Thực ra lúc này tôi cũng
muốn làm việc như vậy nhưng tôi để phần đó cho hai người phụ nữ đứng
tuổi.
Trên phố Rue de Bac, tôi dừng lại mua một cái thẻ điện thoại, nhưng lý
do lớn hơn là để chiêm ngưỡng cái sạp báo và tạp chí nhỏ giữa đường; ở đó
báo và tạp chí được sắp xếp như một công trình nghệ thuật sắp đặt hoàn
hảo; nhưng tuyệt nhất là cái cách người đàn ông bán báo đứng tuổi ăn mặc
chỉn chu, đeo cà vạt, mang nước hoa trong lúc bán báo, và luôn miệng nói
chuyện với những người khách ghé vào mua báo như thể họ đã quen nhau
lâu lắm rồi và câu chuyện họ nói là một câu chuyện vĩnh cửu. Tôi đứng đó
nghe cái dòng đối thoại liên tu bất tận mà tôi chỉ hiểu vài chữ lõm bõm
“Oui”, “D’accord”, “Voilà”, xen những tiếng cười và những cái vung tay.
Trên phố Rue de Varenne, tôi đứng lại ở những cửa hàng bánh ngọt đế
ngắm những cái bánh đẹp đến mức khó tưởng tượng là người ta nỡ ăn
chúng, rồi không dừng được mà mua một cái tiramisu và tiếp tục ngẩn ngơ
nhìn người chủ cửa hàng cẩn thận cho vào trong một hộp giấy nhỏ, thắt một
chiếc nơ bên ngoài, rồi bỏ vào một cái túi giấy cho tôi
Chao ôi là sự công phu và kiều diễm trong từng chi tiết của cái đời sống
Paris. Cái tinh thần lãng mạn Paris không nằm trong sự bay bổng của tình