“Oh lah lah…” monsieur vung hai tay lên trời một cách thất vọng, nhưng
vẫn mỉm cười, “Bo mẹ, bo mẹ. Tại sao ngươi Vietnamien luc nao cung phai
xin phep bo me?”
Câu hỏi này quá vĩ mô và không có lợi gì cho tình huống cụ thể của tôi
lúc đó nên tôi vừa cười trừ vừa chỉ vào đồng hồ đeo tay:
“Merci monsieur nhưng thật sự là tôi phải đi.”
Quan sát nét mặt monsieur, tôi biết là tôi vừa mới đấm bị bông (Chúa
phù hộ sự kiên nhẫn của đàn ông Pháp với phụ nữ!) Để thể hiện sự quyết
tâm và tự chủ, tôi tuôn ra một tràng tiếng Anh rằng tôi có hẹn với bạn tôi,
tôi nhất định phải đi nếu không tôi sẽ bị muộn, rằng monsieur đã rất nice
khi đọc thơ cho tôi nghe, tôi rất cảm động nhưng tôi “thực sự, thực sự phải
đi” và chúc monsieur bán được nhiều sách. Tôi vừa nói vừa bắt đầu rảo
bước. Monsieur cũng rảo bước đi cùng và hỏi tôi có quay lại buổi chiều nay
không, monsieur sẽ chờ tôi ở quán cà phê bên kia đường. Tôi nói non non,
tôi không quay lại đâu – và bước nhanh hơn. Monsieur lại nói rằng ngày
nào monsieur cũng đứng đây bán sách hoặc ngồi bên kia uống cà phê, nếu
tôi đổi ý định muốn ăn tối hay uống cà phê với monsieur thì cứ tới tìm bất
cứ lúc nào.
Tôi bước đi khỏi một đoạn đã xa mà vẫn thấy đầu óc lùng nhùng vì
không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Một ví dụ nhỏ về sự lãng mạn Pháp hay
chương một của một tiểu thuyết trinh thám Mỹ mà đến chương hai thì
người bán sách mê thơ Verlaine sẽ hiện nguyên hình là sát thủ giết người
hàng loạt?
Nhưng thở đều một lúc, sự lãng mạn đã lại thắng thế. Nghĩ cho kỹ, rõ
ràng monsieur không hề có gì khả nghi và không làm gì hại tôi ngoài việc
đọc thơ Verlaine cho tôi nghe và mời tôi uống cà phê. Tôi kết luận rằng tôi
không cần phải lo lắng; không nên nghi ngờ oan cho monsieur mặc dù quả