“Em khỏe,” tôi nói. “Kai ơi, Paris đẹp quá; em thật ghen với anh.”
“Dĩ nhiên rồi,” Kai cười, hôn tôi hai bên má. “Tất cả mọi người đều ghen
với anh. Nhưng biết làm thế nào được.”
Không thể không nhận ra rằng Kai đã khác đi kể từ lần cuối cùng tôi gặp
anh, cách đây chừng một năm, ở Chicago. Hồi đó, Kai bơ phờ và dường
như lúc nào cũng ngấp nghé một miệng vực vô hình; còn bây giờ, khuôn
mặt anh có một ánh sáng mới. Có lẽ Paris làm cho người ta hạnh phúc hơn.
Chúng tôi tới một tiệm ăn có tên “Les Philosopher” ở Rue Vieilles-du-
Temple bên phía Marais, không xa khách sạn tôi ở (chắc chỉ có ở Paris thì
tiệm ăn mới có những cái tên như “Nhà triết học” hay “Descarter”). Tiệm
Les Philosopher nằm trên mặt phố, trong một căn nhà tường ốp gỗ với
những cửa sổ lớn mở ra ngoài vỉa hè; vỉa hè cũng có bàn nhưng chủ yếu
dành cho người uống cà phê, rượu, hút thuốc sau khi ăn. Chúng tôi vào bên
trong; chọn một chiếc bàn gỗ nhỏ. Xung quanh chúng tôi, các bàn hầu như
chật người; từng nhóm từng nhóm ngồi với nhau theo cái lối của những
người đã đi ăn tối với nhau rất nhiều lần. Họ thoải mái, ồn ào, và tự nhiên.
Mỗi lần có một người mới đến, người đó lại ồn ào chào hỏi rồi đi vòng
quanh bàn hôn má từng người ngồi quanh bàn. Thật là một cảnh vui mắt.
Người Mỹ không bao giờ cho phép mình ồn ào quá ở các nhà hàng mà chỉ
có thể ồn ào ở các sport bar.
Kai nói món vịt ở đây khá ngon; vậy là tôi gọi vịt là món chính, khai vị
là patê ngỗng. Chúng tôi gọi một chai vang đỏ.
“Chào mừng em đến Paris!” Kai nói. “Cho những ngày Paris vui vẻ!”
“Cho những ngày Paris vui vẻ!” Tôi nói.
“Ở Paris thì khó mà buồn được,” Sarah nói. “Em hiện nay chẳng làm gì,
coi như thất nghiệp, thế mà cũng chẳng buồn.”