MỘT MÙA THƠ DẠI - Trang 13

Trước hết là gia đình. Cha anh là một nhà sư phàm ăn tục uống, tham lam
và ích kỷ. Ông ta có một vợ hai con. Ngoài Nobu còn có đứa con gái
Ohana. Ohana có nhan sắc, ông ta mở cho nàng một quán trà để nàng có thể
bán cái duyên sắc ấy kẻo nó phí hoài đi. Ông ta bảo vợ đi bán kẹp tóc cho
khách thập phương những ngày lễ chùa. Ông ta thích ăn thịt lươn và thường
sai con trai đi mua, một công việc mà Nobu thấy nhục vì anh căm ghét mọi
thứ tanh tưởi. Tại sao một người như thế lại là nhà sư cho được? Và mẹ
anh, và chị anh - tất cả những gì họ làm đều khiến cho Nobu sợ hãi, hổ
nhục.

Cạnh đó là cái khu phố Yoshiwara đầy náo động, đầy bạo lực và trụy lạc.
Nó vây bọc tuổi thơ của Nobu. Nobu bị ném vào nó. Nó tồn tại cũng như
thế giới của người lớn đang tồn tại mà không cần Nobu có chấp nhận hay
không. Và thời đại, một thời đại quá nhiều hứa hẹn, khát vọng, giấc mơ... ở
những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19. Vào thời đại đó, những người phụ
nữ được gì ở Yoshiwara và những đứa trẻ thơ được gì ở Yoshiwara?

Chính vì vậy, sự mất mát niềm thơ dại trong tác phẩm Một mùa thơ dại
mang tính tượng trưng. Những Nobu, Midori, Shota không chỉ là những đứa
trẻ của khu phố không có đêm. Họ còn là cả một thế hệ. Đó là “Một bi ca về
sự tan biến của một thời đại ngây thơ trong xã hội Nhật Bản” (nhà phê bình
John Lewell).

Hay nói rõ hơn như Robert Danly: “Một cách gián tiếp Một mùa thơ dại
bi ca về những vận hội mất mát, thể hiện niềm hối tiếc của thế hệ của thời
đại mà Ichiyo sống, về một thời thơ dại và lạc quan đã bị tước đoạt quá phũ
phàng”.

Tác phẩm kết thúc vào lúc Nobu, trước ngày khoác áo tu, để lại một đóa
hoa thủy tiên vàng bằng giấy nơi thềm nhà Midori như một tình yêu bị tước
đoạt.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.