MỘT MÙA THƠ DẠI - Trang 9

“Nàng chưa bao giờ vượt qua sự giáo dục mà nàng nhận được ở truyện
Genji, ở Saikaku và các tác phẩm Nhật Bản cổ điển khác, thế mà nàng vẫn
hiểu rõ chúng ta vô cùng, mặc chúng ta là những kẻ dấn mình hoàn toàn
vào thơ văn phương Tây, và nàng cứ thản nhiên tiến bước đồng bộ với ta -
Đó mới thật là sự lỗi lạc!”.

Lần lượt, những tiểu thuyết nhỏ nhắn nhưng tuyệt đẹp của nàng xuất hiện:

- Ngày cuối năm (Otsugomori, 1894)

- Khe nước đục (Nigorie, 1895)

- Đêm mười ba (Jusanya, 1895)

- Một mùa thơ dại (Takekurabe, 1895)

- Những ngả đường cách biệt (Wakaremichi, 1896).

Khoảng 20 truyện ngắn, chừng 4.000 bài thơ và vài tiểu luận cùng một bộ
nhật ký nổi tiếng - đó là những gì Ichiyo kịp tạo dựng trong cuộc đời mệnh
yểu của mình. Nàng chết vì bệnh lao.

Trước khi mất, Ichiyo đã nổi tiếng lẫy lừng. Những nhà văn lớn nhất thời ấy
đều đến nhà nàng như Koda Rohan, Mori Ogai... Còn Izumi Kyoka thì
chẳng ngại ngùng “tự phong” làm đồ đệ của nàng.

Và sự ngưỡng mộ, sau cái chết của nàng lại càng dâng cao. Các truyện ngắn
lừng danh của Ichiyo lần lượt được dựng thành những bộ phim nghệ thuật
vào giữa những năm 1970, ở Tokyo mỗi sớm mai, đài phát thanh lật những
trang nhật ký của Ichiyo ra và đọc với giọng truyền cảm ngân vang khắp xứ
sở, làm sống dậy một linh hồn u uẩn, người con gái cuối cùng của Phù Tang
xưa và người con gái đầu tiên của Nhật Bản mới.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.