vì hắn sợ có ít lính để đối phó với tù. Hôm nay gặp phải một thằng như vậy.
Thế là phải chờ.
Suốt ngày ở ngoài trời băng giá, những người tù chỉ còn nước chết vì
lạnh. Chờ cho mọi chuyện được giải quyết, họ đã phải đứng chịu trận cả
một tiếng đồng hồ. Song điều làm họ bực mình chẳng phải vì cái lạnh, mà
vì buổi tối với bao nhiêu việc định làm, đã bị mất mất rồi.
- Trung tá, sao ông biết nhiều thế về đời sống của hải quân Anh? -
Những người đứng trong nhóm năm người bên cạnh hỏi Buinovski.
- À, chả là tôi tôi đã sống gần cả tháng trời trên một tuần dương hạm
của Anh quốc, có riêng một phòng ở đó. Khi ấy tôi là sĩ quan liên lạc trong
đoàn hộ tống.
- Ra thế! Thế cũng đủ để họ táng cho anh hai mươi nhăm năm tù.
- Không phải, các anh không biết đấy thôi, tôi đâu có theo thuyết tự do
phê phán tư tưởng của họ. Đấy là do tôi đưa ra những ý kiến xác đáng về
luật pháp nước ta.
(Rõ đồ ngu, Sukhov nghĩ bụng, nhưng không nói ra lời. Thằng Senka
Klevsin kia sống với người Mỹ có hai ngày mà họ còn ấn cho những bốn
năm, lão sống cả tháng trời trên tầu của họ, thì không biết
sẽ phải ở trong trại bao nhiêu năm đây?).
- Thế rồi sau chiến tranh có một ông đô đốc hải quân Anh ma xui quỷ
khiến thế nào lại gửi cho tôi một món quà nhỏ làm kỉ niệm, đề dòng chữ
“Để tỏ lòng biết ơn”. Tôi hoảng hồn, chửi um lên...
Thật lạ lùng, thật lạ lùng khi ngắm nhìn cảnh tượng: một vùng thảo
nguyên mênh mông trần trụi, cả một khu vực bị bỏ hoang, tuyết lấp lánh
dưới ánh trăng. Đám lính áp tải đã đứng vào vị trí - mỗi tên cách nhau mười
bước. Đứng kia là một bầy tù đen ngòm, và cũng mặc áo bông đen như
những tù nhân khác là S - 311, cái con người trước đây đã từng mặc lễ phục
trắng có gù vai kim tuyến và từng giao du với một ông đô đốc hải quân