ở phía trên đầu Sukhov, cái mà không một ai nhìn thấy. Ông từ tốn ăn tô
súp loãng bằng chiếc thìa gỗ đã mòn vẹt, song không gục mặt xuống bát
như những người khác, mà đưa thìa súp lên miệng mình. Răng của ông
không còn lấy một chiếc, cả hàm trên, lẫn hàm dưới, ông dùng hai hàm lợi
cứng như xương để nhai bánh mì thay cho răng. Khuôn mặt ông
mòn mỏi, song không đến nỗi yếu ớt, thiểu não như bọn người tàn tật
mất hết sức sống, mà đen xạm, trông như tạc bằng đá. Và nhìn đôi tay to
tướng, méo mó sần sùi, cũng có thể thấy được rằng ngần ấy năm rất hiếm
khi ông được làm công việc nhẹ. Song trong ông hằn rõ ý chí không chịu
khuất phục:
ba trăm gram bánh mì ông không để xuống mặt bàn nhơ nhớp như mọi
người, mà đặt lên một miếng giẻ nhỏ được giặt sạch sẽ.
Nhưng Sukhov không có thời gian để ngắm nghía ông già. Ăn xong
anh liếm sạch thìa rồi nhét lại nó vào ống giầy ủng, chụp mũ lên đầu, đứng
dậy, cầm lấy khẩu phần bánh mì của mình và của Sezar. Anh đi khỏi nhà ăn
bằng một cửa khác. Ở đây cũng có hai tên cần vụ, chúng đứng đó chỉ để
làm mỗi một việc, mở chốt cửa cho anh em ra, rồi lại đóng chốt cửa lại.
Sukhov ra khỏi nhà ăn với cái bụng no và tự hài lòng về bản thân. Anh
quyết định, dù sắp sửa tới giờ tắt đèn, vẫn cứ phải tới chỗ thằng cha Latvi.
Anh chạy thẳng tới trại số bảy, không rẽ qua trại mình
để cất bánh mì.
Trăng đã lên cao, trắng ngần, trong trẻo như thể được cắt ra từ bầu
trời. Và bầu trời cũng trong veo. Những ngôi sao đó đây lấp lánh, sáng rỡ.
Nhưng Sukhov lại càng ít thời gian để nhìn lên trời mà ngắm trăng sao.
Anh chỉ cảm thấy rõ một điều: băng giá không hề giảm bớt. Có ai đó nghe
được từ những người ở bên ngoài nói rằng ban đêm sẽ xuống tới âm ba
mươi độ, còn đến sáng - âm bốn mươi.
Từ rất xa trong thôn vẳng lại tiếng máy cày, còn mé bên đường chiếc
máy xúc rít lên. Từng bước chân người đi trên sân trại đều để lại tiếng ủng
nghiến tuyết răng rắc.