gì ở trên đó. Anh săm soi chiếc áo trấn thủ của mình, số hiệu trên ngực áo
đã
mờ rồi đây, phải làm cho mới lại, chẳng lại rách việc. Anh sờ đám râu
trên mặt - rậm rồi đây, từ lần chót được thăm nhà tắm tính tới hôm nay đã
mười hôm rồi còn gì. Kệ mẹ nó. Còn ba ngày nữa tới kỳ tắm rửa, lúc ấy cạo
một thể. Việc chó gì phải ngồi xếp hàng chờ đợi ở chỗ hớt tóc. Có ma nào
coi mà đỏm với dáng.
Nhìn chiếc mũ trắng tinh của Bdovuskin, Sukhov chợt nghĩ tới cái
bệnh viện dã chiến bên bờ sông Lovat, cái hồi anh được đưa tới đó với cái
quai hàm bị vỡ và khi ấy - ngu không chịu được - anh đã tình nguyện xin
trở lại mặt trận, trong khi có quyền được nằm nghỉ những năm ngày.
Bây giờ thì chỉ ao ước ốm lấy độ hai ba tuần, chỉ đừng thập tử nhất
sinh, hay bị mổ xẻ gì, cốt yếu được nằm bệnh viện - nằm yên ba tuần,
không động đậy, dù phải húp canh xuông cũng được.
Nhưng Sukhov chợt nhớ ra bây giờ ngay cả trong bệnh viện cũng
không được nằm. Có một tay bác
sĩ vừa tới cùng với một mẻ tù mới, tên là Stepan Grigorich - một
người lắm mồm, chân tay không lúc nào yên, và cũng không để cho bệnh
nhân được yên. Lão nẩy ra sáng kiến bắt tất cả các bệnh nhân còn đi lại
được phải làm việc xung quanh bệnh viện: rào giậu, dọn lối đi, chở đất đắp
các luống hoa. Mùa đông thì dọn tuyết. Hắn luôn mồm nói làm việc là cách
chữa bệnh tốt nhất.
Nhưng lão đâu có chịu hiểu, làm việc quá sức thì đến ngựa cũng phải
lăn ra chết. Cứ thử vác đá xây tường một hôm xem, có mà im như thóc.
Vdovuskin vẫn mải miết viết. Anh ta đúng là đang làm “việc riêng”,
nhưng là một việc mà Sukhov không đủ sức hiểu. Anh ta đang chép lại một
bài thơ dài hôm qua mới chữa xong và hứa hôm nay sẽ cho Stepan
Grigorich xem, cái lão bác sĩ lắm mồm ấy.
Chuyện như thế này thì chỉ trong trại tù mới có. Số là Stepan
Grigorich gà cho Vdovuskin tự nhận là y tá, và cho hắn làm công việc này.