Đến khi thấy đói bụng, ba người đã bảo nhau giở cơm nắm, thịt gà luộc,
muối trắng của dân bản ủng hộ lúc lên đường, ăn uống xong xuôi, tuy còn
sớm đã trải lá ngả lưng. Nhị Nguyễn nằm giữa gối đầu lên ba lô vàng, hai
vệ binh hai bên, ôm súng quay mặt ra ngoài. Một đêm ngủ chập chờn,
không có ngọn lửa làm bầu bạn, chỉ còn nhờ hơi ấm chuyền sang nhau mà
không đến nỗi bị lạnh cóng. Sáng, quần áo, đầu tóc ai cũng ướt nhèm
sương núi. Lại lặng thinh lầm lũi cắt rừng. Mãi chiều tối ba người mới tới
bản Pu Loong và trên đường không gặp dầu vết nào của phỉ. Thật tình cờ,
ba người được đón tiếp và ăn ngủ tại nhà trưởng bản, lại chính là nhà mà
hai người đàn ông trung niên gặp trên đường ngày hôm trước đã ở, đúng là
họ có họ hàng và từ bản Huổi đến đây chơi. Khi đã tìm hiểu được điều này,
ba người ý tứ đưa mắt nhìn nhau không khỏi cười thầm trong bụng về sự
trông gà hoá cuốc vừa rồi. Nhưng một khi đã vào sâu vùng đất lạ, nhan
nhản đồn bốt, thì sự cảnh giác vừa rồi cũng chẳng phải là thừa.
Thật trớ trêu, ngay sau đó ông Nhị Nguyễn lại chưa học được bài học cảnh
giấc với chính đồng đội mình
***
Vào đầu năm 1999, khi ông Nhị Nguyễn đã ở tuổi 77 và ông Nguyễn Văn
Bình tuổi 75, hai người gặp lại nhau. Hôm đó, ông Nhị Nguyễn sau khi
đánh cầu lông về như lệ thường tạt vào quán bia hơi bên đường. Vừa nhâm
nhấp bọt tràn đầy miệng vại, ông nhác thấy một ông già đi vào và ngồi ở
bàn đối diện. Ông ấy gày đét, khuôn mặt vuông vức, tóc bạc phơ, dáng đi
tất tả, ngồi thì vặn vẹo.
Người này trông quen quen, đã gặp ở đâu nhỉ? Suốt mấy chục năm đời lính
ông từng đi khắp các nẻo đường chiến dịch qua bao tỉnh thành và quen bao