cái đó gọi là Đạo.
Phải Quấy cũng như Tốt Xấu, Lành Dữ, Lợi Hại… cặp mâu thuẫn ấy bao giờ cũng nằm sẵn trong
mọi sự mọi vật. Không có sự vật nào thuần Tốt hay thuần Xấu, thuần Phải hay thuần Quấy, cũng như
không có vật nào thuần Âm hay thuần Dương.
Sở dĩ được gọi là Âm là tại phần Âm lấn phần Dương, được gọi là Dương là tại phần Dương lấn
phần Âm. Thực ra không có một sự vật gì là thuần chất cả. Nếu sự lấn ép của một đối phương mà lên
đến cực độ, liền bị phản biến tức khắc, tức là Dương cực sinh Âm, Âm cực sinh Dương. Giữa hai lực
lượng mâu thuẫn ấy bao giờ cũng có “Một Cái Gì” chủ trương, không cho hai lẽ ấy ly khai với nhau và
bó buộc nó phải trở về vị trí điều hòa. Cái Đó, tuy không thể thấy đặng, nhưng bao giờ ta cũng cảm
thấy nó luôn luôn hiển hiện trong các cuộc thiên biến của sự vật.
Cái Đó, cái nguyên lý độc nhất vô nhị, là cả một cái huyền diệu trong những huyền diệu trong Vũ
Trụ. Bất kỳ ta thấy hiện ra một cặp mâu thuẫn nào, phải để ý ngay đến cái lẽ huyền diệu ấy, tức là cái
chỗ quan hệ giữa cặp mâu thuẫn đó. Cái gì làm cho lực lượng đối phương trong cặp mâu thuẫn không
được vượt quá cái chừng của nó? Cái gì bắt buộc sự vật không được đi đến chỗ thái quá của nó? Cái
gì hễ dư thì làm cho bớt đi, thiếu thì bù vào? Cứ bình tĩnh mà quan sát sự vật trên đời, sẽ thấy rõ cái
luật quân bình ấy.
Đối với phần đông, hễ không Thiện là Ác, không Ác là Thiện, thật không gì thô sơ giản ước bằng!
Trong đời không có một sự gì vật gì có thể xem là toàn Thiện hay toàn Ác. Thiện mà đi quá cái mực
Trung của nó cũng thành ra Ác, mà Ác đi quá cái mực Trung của nó cũng có khi là một sự Thiện. Có
người cát nghĩa chữ Trung nầy bằng chữ Thời. Hễ đúng Thời thì hay, sái Thời thì dở. Bàn về Thiện
Ác, Tốt Xấu, Phải Quấy mà không biết nắm giữ cái cốt của nó ở mực Trung là đặt sai vấn đề, không
làm sao giải quyết được.
Cố chấp trong một cái Thiện, một cái Phải có khi là một việc làm hết sức nguy hiểm. Nắm cái cốt
của Thiện Ác, không phải là “đi hàng hai” như phần đông đã hiểu và vì vậy mới có người dám gán cho
cái đạo Trung dung của Khổng tử là cái “ổ chứa gian tà”.
Đạo đức cao nhất là đến được cái đạo Trung. Nơi “đó” không còn thấy chi là Phải Quấy, Thiện Ác
nữa. Ở “đó” người ta chỉ còn thấy có cái Đạo, tức là cái cốt của cái đòn cân Thiện Ác của Lợi Hại,
không thái quá, không bất cập.
Phần đông người trong thiên hạ hay lấy cái Thiện trừ cái Ác, lấy cái Phải trừ cái Quấy… Như thế,
người ta chỉ loay quay trong cái vòng Thiện Ác Phải Quấy, người ta chỉ lo phản động với cái mà mình
cho là sai lầm bằng sự phản động thôi. Phản động với một sự lầm để tìm sự thật, là sai. Lấy cái Phải
trừ cái Quấy cũng không đúng với Chân Lý. Sở dĩ gọi là Quấy vì nó đã bị mất đi cái đạo Trung của nó,