CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT
TẾ ĐỘ QUẦN SINH VÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
Một trong những trở ngại to tát và cuối cùng của sự giải thoát là vấn đề tế độ.
Phần đông tin tưởng rằng tự giác là để mà giác tha. Và “tự giác” cũng như “giác tha” là một sự bắt
buộc, một phận sự cấp bách cho những kẻ bắt đầu vào con đường Đạo học. Về việc tu học và giải
thoát, có kẻ lại cảm thấy cần phải thi đua với thời gian nữa. Có kẻ quá hăm hở hơn, tìm đủ cách để đi
vào con đường khổ hạnh. Quá trọng vật chất mà khinh miệt tinh thần là sai, thì sự trọng tinh thần đến
quá khinh thường xác thịt đâu còn là lẽ phải, vì phản động lại với một sự lầm vẫn lầm. Họ đã vô tình
làm chinh nghiêng đòn cân Thiện Ác. Đó cũng là cái lầm lần đầu tiên của Thích Ca khi đi tìm Đạo.
Một phần đông những nhà lo đời độ người tin tưởng rằng người có trí phải có phận sự dạy kẻ ngu,
kẻ khôn ngoan phải có phận sự độ người ngu dại. Đã xem đó là một phận sự thì mỗi khi mình tin tưởng
là đã hiểu biết được một điều gì hay mà không chịu đem nó ra truyền dạy cho kẻ khác, mình cảm thấy
lòng mình như thắc mắc. Mình cảm thấy sự tế thế độ nhơn là một sự bắt buộc, nên phần đông thích
khuyến dụ và tế độ. Có kẻ lại còn đi quá xa hơn nữa, họ dùng quyền thế và uy vũ răn he đe dọa bắt
buộc kẻ khác để cho mình tế độ, hoặc tệ hơn nữa, họ dùng mánh khóe của anh đánh xe lừa đã nói trước
đây, đem thiên đường tiên cảnh mà dụ dỗ, đánh vào lòng tham cố hữu của con người để bảo họ làm
lành tránh dữ.
Sự lo độ người dạy đời, cũng như sự hăm hở lo đưa mình đi mau trên con đường giải thoát là một
băn khoăn ám ảnh lòng người tìm Đạo. Nhưng nào ai có dè nó là một ảo vọng hết sức tai hại làm trở
ngại rất lớn cho kẻ thực tâm tìm Đạo.
Thực vậy, còn hăm hở ham muốn giải thoát, tức là còn ở trong tâm trạng của một sự chọn lựa. Mà
đã là còn chọn lựa, tức là còn cho là một cái gì là phải hơn một cái gì, tức là còn nô lệ một bảng giá
trị nào mà ta cho là phải hơn một bảng giá trị nào khác mà ta không thích. Còn chọn lựa là còn riêng
ưa ghét, tức là còn thiên hẳn về một bên nào của đòn cân Thiện Ác, tức là đã làm chênh lệch cái Đạo
nơi ta rồi vậy. Tăng Xán có nói: “ Đem cái điều ta ưa thích để chống lại với cái điều ta không ưa thích
đó là căn bệnh trầm trọng của tâm hồn” Đạo tín cũng có nói: “ Con đường Chân Đạo sẽ không có gì là
khó khăn nếu lòng ta đừng thiên về bên nào cả : Thiện hay Ác, Phải hay Quấy, Sanh hay Tử, Phúc hay
Họa, Tốt hay Xấu… Dù chỉ thiên có một hào ly thôi, cũng đủ làm cho Trời Đất chia phân…
Kẻ còn muốn lên Thiên Đàng hay đến cõi Niết bàn là đã làm chênh lệch thế quân bình của Thiện
Ác, tức là đã làm mất cái Đạo nơi mình rồi. Tham sống sợ chết cũng đều sai với Đạo cả. Pascal có
nói một cách rất sâu sắc: “Người ta không phải là một vị tiên thánh mà cũng không phải là một con vật.