Nếu mỗi một người đều biết lo cho mình, lo cho tới chỗ thật biết, thật hiểu, thì tưởng không cần
phải ai lo cho ai nữa mà thiên hạ sẽ được thái bình, nhân dân hạnh phúc.
Cần yếu nhất là ta phải hết sức thành thật với mình. Đừng tưởng thành thật với mình là dễ. Những
bậc chí nhân sở dĩ đến được cõi chí thiện đều nhờ có một chữ “Thành” mà thôi.
Thành thực với mình là con đường duy nhất đưa mình đến tự do và giải thoát.
*****
PHỤ LỤC
A. – SỐNG LÀ GÌ?
Sống là gì?
Có nhiều lý thuyết, nhưng tôi chỉ nhớ có thuyết đơn giản này : sống là tranh đấu.
Tôi nhận nó là chí Lý là vì nói cho đúng ra, với thực nghiệm của bản thân suốt đời gian truân tranh
đấu không ngừng, làm sao phủ nhận nó cho đặng?
Nhưng, trong khi tranh đấu, tranh đấu bất tận, tranh đấu gắt gao say cuộc, thét rồi lắm khi lại quên
mất cả ý nghĩa của cuộc tranh đấu của mình.
Ban đầu thì sự tranh đấu chỉ ở trong vòng rất chật hẹp là để mưu sống, cái sống về vật chất trước
hết. Rồi cuộc tranh đấu tràn lan sang tinh thần. Trong khi tranh đấu ấy, rốt cùng lại chỉ thấy có mình,
rồi với danh nghĩa là tranh đấu cho chính nghĩa, cho dân tộc, cho nhân loại mà thực ra ta chỉ lo tranh
đấu cho mình. Trong khi tranh đấu ấy ta chỉ còn nhớ cái khẩu hiệu “sanh tồn cạnh tranh, ưu thắng liệt
bại” mà thôi. Hễ mạnh thì thắng, yếu thì thua, cho nên ta không ngần ngại gì, nếu có thể được, dùng đủ
phương tiện miễn thành công thắng lợi là được.
Ta quên rằng có ta cũng phải có người. Sự tranh đấu của người văn minh phải có khác với sự tranh
đấu của giống sài lang, đi tìm cái thắng lợi cho mình trên sự tang tóc của đồng loại. “Sanh tồn cạnh
tranh, ưu thắng liệt bại”, cái luật này là cái “luật của rừng rú”, cái luật cảu người bán khai, chưa phải
là cái luật của người văn minh với cái nghĩa thanh cao tốt đẹp của nó.