MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG - Trang 39

Thời xưa, lúc con người còn man đã, thì dùng mạnh để thắng yếu. Ngày nay con người đã lên đến

trình độ văn minh, tức là đã đến cái trình độ lấy sức mạnh mà bênh vực kẻ yếu : lấy cái nghĩa chung để

trên cái lợi tư. Lẽ ra câu nói này của La Fontaine: “Cái lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng phải” đã tiêu

biểu cho cái luật tranh đấu của thời man dã, tượng trưng cho cái luật của rừng rú, không còn tồn tại

nữa trong thế hệ văn minh này. Nhưng than ôi, nó vẫn cũng còn chi phối cả văn minh loài người trên

khắp mặt địa cầu.

Ta là người văn minh phải tranh đấu để mà thủ tiêu cái luật man dã ấy. Tức nhiên, cái ý nghĩa nhân

sinh của ta về sự sống phải được thay chiều đổi hướng.

Đành rằng sống là tranh đấu.

Nhưng, tranh đấu để làm gì? Phải chăng để mưu cầu hạnh phúc? Mà mưu cầu hạnh phúc ngày nay

đâu còn có nghĩa là lấy mạnh mà lấn yếu, lấy khôn mà hiếp dại, lấy sức mạnh oai vũ của mình để bắt

buộc kẻ khác phải theo mình, phụng sự hạnh phúc cá nhân của mình, đem lý tưởng về điều phải lẽ quấy

của mình làm “khuôn vàng thước ngọc” cho tất cả mọi người.

Mỗi người, dù mạnh hay yếu, hễ là người thì đều được quyền sống cả. Phải trả lại cho con người

cái quyền sống ấy.

*****

Vậy thì, sống là gì? Sống là tranh đấu, tranh đấu để lập lại Công Bình cho tất cả mọi người. Hay

nói một cách khác, sống là tranh đấu, tranh đấu để tìm hạnh phúc, cái hạnh phúc đặt trên một nền tảng

Công Bình và Nhân đạo, nghĩa là tìm lại cái thế quân bình, cái Đạo Trung hoà của Trời Đất.

Người Đông phương ngày xưa cũng đã có bảo: “Trung giả dã, thiên hạ chi đại bản giả; Hòa giả dã,

thiên hạ chi đạt đạo giả. Trí Trung hòa thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.” ( Trung là cái gốc lớn của

thiên hạ; Hòa là cái đạt đạo của thiên hạ. Đi đến chỗ Trung hòa của Trời Đất thì Trời Đất được định vị

mà vạn vật được hóa sinh.) Lại cũng có nói: “Ở đời không có việc gì Phải mà không có Quấy, nên mà

không có hư, lợi mà không có hại”.

Người ta phần đông thường mê muội, tưởng chỉ có mình là trung tâm điểm của vũ trụ nên bao

nhiêu sự gì không có lợi cho ta, liền phán đoán ngay là hại, mà không hay rằng cái hại cho ta cũng như

cái lợi cho ta không thể còn là cái hại hay cái lợi cho người khác hay vật khác.

Mỗi một việc gì của ta làm, nếu muốn có lợi nhiều, cố nhiên cũng sẽ có hại nhiều để bù vào sự

thái quá. Cái Phải mà quá phải cũng thành ra quấy. Mỗi mỗi phải tùy lúc tùy buổi và có chừng mực.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.