gì be bé, mềm mềm, êm êm. Thế còn cái chuông con gọi là gì, biết không?
Là “Gơlốccơlinh”. Cứ nghe là cảm thấy như nghe tiếng rung lên, phỏng?
Một hôm Stêpan Ivanôvít không giữ được nữa, nói:
- Này chớ, đồng chí chính ủy, anh học tiếng Đức để làm gì hả? Tốn công
vô ích, anh phải gìn giữ sức khỏe là hơn...
Chính ủy hóm hỉnh nhìn người lính già:
- Thế lão râu ta cho rằng người Nga cứ thế mà chịu được à? Không học
tiếng Đức, thì khi chúng ta tiến tới Beclin, lão bảo tớ dùng tiếng gì đây để
nói chuyện với các cô gái Đức? Hay là dùng tiếng cực nam châu Mỹ hả?
Stêpan Ivanôvít, ngồi trên giường chính ủy, cự lại một cách có lý rằng
lúc này chiến tuyến đương gần sát Mátxcơva và còn phải đi một quãng
đường kha khá đấy mới đến gần được các cô gái Đức, nhưng giọng chính
ủy rung động một niềm tin vui sướng khiến cho anh chiến sĩ phải đằng
hắng một tiếng rồi nói tiếp một cách nghiêm trang như thực:
- Ừ phải rồi! Anh lại nói bằng tiếng cực nam châu Mỹ. Nhưng đồng chí
chính ủy ạ! Anh vẫn cứ nên giữ gìn sức khỏe, nhất là sau khi đã bị trận giập
cả mình mẩy như anh.
- Ngựa cưng lắm thường là chổng bốn vó trước tiên! Chắc anh không
biết câu phương ngôn đó, hả lão râu? Không biết là không tốt.
Thực ra trong số mấy người thương binh, chẳng ai có râu cả, nhưng
chính ủy ưa kêu mọi người là “lão râu”; tuy anh kêu thế, chẳng ai buồn cả.
Trái lại ai cũng thấy như vậy là buồn cười, vừa vui vẻ. Alếchxây nhìn chính
ủy cả buổi để thử tìm xem tại sao anh vui vẻ hồn nhiên như vậy. Chắc là
chính ủy đau dữ dội. Mỗi khi anh mệt thiếp đi và không tự chủ được nữa.
thì nghe thấy anh rên rỉ, vật vã, nghiến răng; mặt anh lúc đó nhăn nhó hẳn
lại vì đau đớn. Chắc anh cũng biết rõ điều đó, nên cố tránh không ngủ ngày,
lúc nào cũng kiếm công chuyện mà làm.
Thức dậy là anh luôn luôn bình tĩnh, điềm nhiên hình như không phải là
bị một sự đau đớn ghê gớm giày vò. Anh thảo luận từ tốn với các thầy
thuốc, cười đùa với họ khi họ tới thăm bệnh và khám phá những chỗ đau
của anh. Chỉ đoán được anh phải cố gắng thế nào mới nén được đau, khi