Mêrétxép thấy Gơvôđép rùng mình, vùng quay lại và mắt sáng lên trong
đám vải băng bó. Anh cố tự chủ, nói bằng một giọng run run cảm động mà
anh cố gắng làm cho đều đều, anh nói:
- Lầm đấy. Chắc có ai tên là Gơvôđép khác nữa bị thương ở trong bệnh
viện.
Tuy nói vậy, nhưng anh vẫn nhìn chằm chặp và đầy hy vọng nơi tay chị y
tá đang giơ rất cao ba bao thư như giơ một lá cờ.
- Không đâu mà, đúng là của đồng chí rồi! Đây nè: Trung úy G. M.
Gơvôđép, và còn ghi rõ phòng 42. Đồng chí thấy chưa?
Anh liền rút mau tay quấn băng ra khỏi mền. Bàn tay ấy run run khi đưa
bao thư lên miệng, trung úy dùng hàm răng xé thư từng chút một, vội vàng.
Mắt anh sáng như tóe lửa dưới những băng quấn.
Thực là một chuyện kỳ lạ. Ba cô gái, ba nữ sinh viên, cùng từng học ở
một trường đại học, mỗi người có một lối viết riêng, đều một lượt viết thư
thăm anh, đại khái như nhau. Biết trung úy xe tăng Gơvôđép nằm ở nhà
thương Mátxcơva, các cô quyết định trao đổi thư từ với người anh hùng bị
thương. Các cô yêu cầu anh, nếu không phiền gì cho anh, thì trả lời cho các
cô, cho biết tình hình sức khỏe. Một cô ký tên “Anhuta” hỏi anh xem cô có
làm gì giúp được anh không. Anh có cần sách vở gì không, hay cần gì khác,
anh đừng ngại cho biết.
Cả ngày, trung úy lật đi lật lại mấy lá thư, đọc lại địa chỉ và tìm hiểu từng
nét chữ của từng người. Anh vẫn biết lối trao đổi thư từ này rất thông
thường. Trước anh cũng có trao đổi mấy bức thư với một cô bạn không
quen, mà anh đã nhận được mấy lời thân ái nhét trong chiếc “găng” tay lép
trong gói đồ quà anh nhận được nhân một dịp lễ. Việc trao đổi thư từ chấm
dứt khi anh được cô bạn gửi cho anh tấm ảnh với mấy lời tặng giỡn đùa: đó
là một phụ nữ đã rộng tuổi, xung quanh có bốn con.
Nhưng lần này, câu chuyện khác hẳn. Điều làm Gơvôđép ngạc nhiên và
không sao hiểu được, là tại sao một lần nhận được tới ba lá thư. Và anh
cũng không hiểu tại sao ba cô sinh viên y khoa này lại biết đến những thành