Giống như chính ủy, Alếchxây Mêrétxép cũng mất sức dần dần. Trong
một lá thư gửi cho cô “Đội thiên văn”, người duy nhất trên đời mà hiện nay
anh có thể nói hết được những băn khoăn của mình, anh cho rằng mất sức
thế này, chắc anh khó sống lắm, nhưng nghĩ cho cùng thà vậy còn hơn một
phi công không có chân, giống như chim không cánh, chỉ còn sống và mổ
ăn chứ không bay được nữa. Không khi nào anh chịu kiếp sống của chim
không cánh. Anh sẵn sàng chịu đựng số phận rủi ro nhất, và anh chỉ mong
nó tới sớm hơn thôi. Một lá thư viết như thế đã làm cho người nhận thư
phải khổ lây, vì trong khi trao đổi thư từ giữa hai người, cô gái đã từ thú
thật rằng đối với “đồng chí trung úy” lòng cô không phải là lạnh nhạt. Hẳn
là cô không bao giờ lại dám nói rõ thế, nếu anh không trải qua một tai nạn
bi thảm đến thế.
Cưcúckin vẫn chứng nào tật ấy, có lúc nói đùa:
- Cô ta chắc muộn chồng rồi. Lúc này, đàn ông quý như vàng. Chắc cô ta
không cần đôi cẳng anh đâu, cô chỉ cần số tiền phụ cấp thương binh thôi!
Nhưng Alếchxây nhớ tới bộ mặt xanh mét áp gần mặt anh giữa lúc cái
chết vi vu trên đầu hai người.
Anh biết rằng sự việc không phải như thế. Anh cũng biết là kể chuyện
tâm tình buồn chán như vậy sẽ làm cho cô ta khổ. Nhưng chẳng cần tìm
biết tên cô “đội Thiên văn là gì” là gì, anh vẫn cứ gửi gấm cho cô những
dòng tâm sự bi đát ấy.
Chính ủy đã có “chìa khóa” cho mỗi người nhưng vẫn chưa tìm được cái
gì hợp với Alếchxây. Ngay sau khi cưa chân Mêrétxép, một cuốn sách bắt
đầu được lưu hành trong phòng: cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Sách được
đem đọc thiệt lớn. Mêrétxép hiểu nội dung cuốn sách dành cho ai rồi,
nhưng thật ra nó cũng không an ủi nổi anh được mấy. Từ hồi nhỏ, anh đã
kính phục Paven Coócsaghin. Đó là một trong những anh hùng mà anh
thích nhất. Nhưng bây giờ anh nghĩ: “Nhưng Coócsaghin đâu có phải là phi
công! Anh ta có thể biết được một khi đã “cắn bả” hàng không rồi, thì thế