trong rừng sâu, anh vẫn nhớ tới ý nguyện của anh. Và anh đã gặp trong
đám người xây dựng, những bạn trai, bạn gái trẻ tuổi, có mộng tưởng như
anh, muốn trở nên phi công, và, chuyện kỳ lạ, họ đã tự tay mình xây dựng
trong rừng, nơi chỉ có bản đồ của thành phố, một câu lạc bộ hàng không
riêng của mình.
Đến giờ mọi người xây dựng thành phố nghỉ ngơi sau ngày lao động, các
hội viên câu lạc bộ hàng không, đứng đầu là Alếchxây, lấy dầu hỏa bôi vào
mình để xua muỗi và đi vào rừng, mang theo nào rìu, nào cuốc, nào cưa,
nào thuốc nổ.
Và họ đã cưa gỗ, đốn cây, bẩy trốc gốc, san bằng đất xâm lấn vào rừng
mà chinh phục được một khoảng trống đủ để xây dựng một sân bay. Họ đã
thành công, đã giành được của rừng mấy cây số đủ chỗ cho máy bay thẳng
đường cất cánh.
Chính trên sân bay này. Mêrétxép đã xòa cánh lần đầu, trên một chiếc
máy bay tập luyện, cuối cùng thực hiện được mộng tưởng nồng nhiệt nhất
của anh hồi tuổi trẻ. Rồi anh theo học trường quân sự hàng không và trở
thành một huấn luyện viên cho thanh niên. Rồi chiến tranh xảy ra, và tuy
ban giám đốc nhà trường hăm này hăm khác, nhưng sau cùng để anh bỏ
nghề dạy dỗ đi chiến đấu ở tiền tuyến. Tất cả sở thích, tất cả cảm nghĩ, tất
cả vui sướng, tất cả dự định cho tương lai và tất cả những thành tích của
anh đều gắn liền với nghề hàng không. Thế mà, anh em đưa thí dụ của
Uyliêm ra kể!
Anh buông một câu:
- Uyliêm không phải là phi công. - Rồi anh quay mặt vô tường.
Nhưng chính ủy không nản chí, nhất quyết tìm cách “mở khóa” cho bằng
được anh chàng ngang bướng này. Một hôm, đang lúc lầm lì như mọi khi
thì Alếchxây nghe tiếng khàn khàn của chính ủy kêu.
- Coi nè. Alếchxây! Có câu chuyện của cậu này!
Stêpan Ivanôvít truyền cho Mêrétxép coi một tập san, trong đó có một
bài báo ngắn có đánh dấu. Đó là một bài báo nói về các phi công Nga trong
đại chiến thế giới lần thứ nhất. Từ những trang báo có một bộ mặt lạ trân