cùng, thì đúng đấy, tôi đã tham dự ba cuộc chiến tranh: chiến tranh đế quốc,
cả cuộc nội chiến và cả một mẫu của cuộc chiến tranh này nữa. Có lẽ như
thế cũng đã là tạm đủ đây chứ, hả? Đồng chí khuyên tôi nên làm gì nào,
đồng chí chính ủy?
Từ giường mình, Mêrétxép cáu tiết nói vọng qua:
- Cậu làm đơn đi, và bảo ủy ban: xin cho tôi quay về hậu phương với phụ
nữ và nhờ người khác đánh Đức, che chở giùm cho tôi.
Stêpan Ivanôvít với vẻ hối hận liếc nhìn Mêrétxép, và chính ủy thì nhăn
mặt lại một cái.
- Cậu định hỏi tôi khuyên cậu cái gì ấy à, Stêpan Ivanôvít? Cậu cứ hỏi
trái tim Nga của cậu, nó sẽ trả lời ngay.
Hôm sau, Stêpan Ivanôvít nhận được giấy ra nhà thương. Anh đã mặc
quân phục khi anh trở vào phòng chào anh em ra đi. Người anh bé nhỏ, áo
varơ phai màu bó sát người, dây lưng choàng áo khéo quá, không có một
vết nhăn. Anh như trẻ lại 15 tuổi. Trên ngực anh lóng lánh ánh sáng chói
rực của những tấm huân chương đã được lau chùi thật kỹ: ngôi sao anh
hùng Liên Xô, Cấp hiệu Lênin và huân chương “vì anh dũng” anh đã khoác
ngoài một tấm áo bờlu trắng, nhưng áo không che lấp những bằng chứng
của vinh quang quân sự của anh. Từ đầu đến chân, từ đôi ủng cũ tới đôi ria
mép, mà anh đã uốn vểnh nhọn lên, anh giống như một “nhà binh dễ
thương” in trên bưu thiếp trong dịp Nôen thời đại chiến thứ nhất 1914.
Anh tới trước mặt từng người một trong những người bạn cùng phòng và
từ biệt mọi người, gọi mỗi người theo cấp vị, rập đế giầy thật cẩn thận, chỉ
cứ trông anh làm là đã thấy vui.
Anh đặc biệt chăm chú khi nói:
- Thưa đồng chí chính ủy trung đoàn, cho tôi xin phép từ biệt đồng chí!
- Chào anh, Stêpan Ivanôvít, và chúc anh may mắn.
Chính ủy nén đau làm hiệu kéo Stêpan Ivanôvít lại. Người lính quỳ
xuống, ôm lấy cái đầu to lớn của chính ủy và hai người ôm nhau hôn ba lần
theo phong tục Nga. Người lính bồi hồi xúc động, lẩm bẩm nói: