- Phải mau lành bệnh, Xêmion Vaxiliêvít! Cầu trời cho đồng chí mạnh và
sống lâu. Đồng chí thực là một người quí giá như vàng. Ba tôi xưa cũng
không lo chăm sóc giúp đỡ tôi như anh. Suốt đời tôi sẽ nhớ mãi.
Cơlaođia Mikhailôna kéo tay anh ra:
- Thôi đủ rồi, Stêpan Ivanôvít, đủ rồi. Xúc động lắm không được lợi cho
anh ấy đâu.
Ivanôvít quay lại phía chị một cách long trọng và cúi mình xuống sát đất
nói:
- À còn chị, chị Cơlaođia Mikhailôna, cám ơn chị đã tốt, đã thương yêu
chúng tôi như vậy. Chị quả là cô tiên Xô viết của chúng tôi. Đó là ý tôi...
Rồi cảm động bước đi, không biết nói chi nữa, anh đi thụt lùi ra phía cửa.
Chính ủy mỉm cười hỏi:
- Vậy thế thư cậu gửi về đâu nào? Về nhà cậu ở Sibêri nhé!
Stêpan Ivanôvít luýnh quýnh trả lời:
- Đồng chí chính ủy sao nói thế? Thời chiến tranh, thì thư gửi cho một
người lính, gửi đâu thì đồng chí biết rõ rồi chứ!
Nói xong anh cúi mình sát đất chào mọi người một lần nữa và ra đi,
khuất mặt sau cửa.
Cả phòng lập tức trở lại yên tĩnh và trống rỗng. Thương binh lại tiếp tục
kể cho nhau chuyện trung đoàn mình, chuyện chiến hữu mình, chuyện
những cuộc chiến đấu lớn đang đợi chờ mình. Bệnh bớt đau, đây không
phải là chuyện mơ mộng mới, mà là những sự thực: Cưcúckin đã lần bước
ở hàng ba, anh đã bắt đầu kiếm chuyện cãi cọ với mấy chị y tá và chọc tức
các bạn thương binh. Anh đã gây bất hòa với số lớn những thương binh
lành bệnh đã đi lại được. Anh lái xe tăng cũng đã đứng dậy được. Anh
dừng lại soi gương ở ngoài hàng ba, ngắm nghía rất lâu, đầu, cổ, vai, những
nơi đã tháo băng đang lành sẹo. Thư từ với “Anhuta” càng thân mật anh
càng hiểu rõ đời sống trong trường đại học thì anh càng lo lắng khi thấy
mặt mình bị bỏng làm xấu hẳn đi. Tối đến, lúc trời tranh tối tranh sáng, mặt
anh không phải là đẹp trai, anh có những nét thanh tú với vầng trán cao, với