Giáo sư nói nhỏ:
- Bữa nay là 29 tháng 4, ngày sinh nhật của nó. Giờ thì phải nói, lẽ ra nó
đã 36 tuổi rồi.
Chính ủy ráng hết sức rút bàn tay sưng mọng của mình ra, đặt lên tay
Vaxili Vaxiliêvít. Lúc ấy bỗng xảy ra một cái gì không thể tưởng tượng
được. Là giáo sư òa lên khóc. Thực là khác thường khi thấy con người to
lớn, đầy sức mạnh và đầy nghị lực ấy khóc. Alếchxây, như không định ý,
cũng co rụt đầu lại và giấu kín mặt dưới mền.
- Trước khi đi nó đến thăm tôi, nó cho biết nó xin nhập ngũ khi có chủ
trương động viên đông người nhập ngũ và hỏi tôi nó phải giao lại công việc
của nhà thương cho ai. Nó cùng công tác với tôi ở đây. Tôi ngạc nhiên quá
nên như là gắt lên với nó. Tôi không hiểu tại sao một y sĩ, một nhà bác học
có tài lại cầm súng ra đi. Nhưng nó nói, tôi nhớ hết câu nói của nó: “Thưa
ba, có lúc một giáo sư đại học y khoa cũng phải ra cầm súng ạ”. Rồi nó lại
hỏi tôi:
“Con giao việc cho ai?” Tôi định gọi chuông điện thoại và chỉ gọi
chuông điện thoại, là không chuyện gì, không một mảy may chuyện gì xảy
ra cả. Anh nghe chưa. Không một chuyện gì! Nó điều khiển cả một ngành ở
đây, mà đây lại là một nhà thương quân sự. Anh có nghe tôi nói chưa?
Vaxili Vaxiliêvít im một lát. Có thể nghe tiếng ông thở khó khăn, hổn
hển:
- Đừng có cựa, anh bạn, anh kéo tay về đi, tôi biết rằng chỉ một cử động
nhỏ thôi cũng đủ làm anh đau đớn vô cùng. Tôi đã suy nghĩ suốt đêm coi
phải làm như thế nào. Anh hiểu chứ: Tôi biết có một người khác - anh biết
tôi muốn nói ai chứ”, có con đóng sĩ quan và tử trận ngay trong những ngày
đầu của cuộc chiến tranh này. Anh có biết người cha đó đã làm gì không?
Ông ta cho đứa con thứ hai ra mặt trận làm phi công khu trục tức là công
tác nguy hiểm nhất. Tôi nghĩ tới người đó, tôi thấy hổ thẹn với những ý
nghĩ do dự của mình và tôi không quay điện thoại.
- Và bây giờ giáo sư tiếc phỏng?