giường thì anh chỉ còn kịp vật mình xuống nằm sấp trên giường, mồ hôi
nhễ nhại, không trở mình lại được nữa.
- Thế nào? Anh thấy cặp chân giả của tôi làm như thế nào? Nhờ Chúa,
mới có một nhà nghệ sĩ như Duiép trên trái đất.
Ông thợ làm chân giả vừa nói một hơi dài, nói một cách lẩn thẩn, vừa
tháo dây chính curoa để giải phóng cặp chân cụt của Alếchxây đã sưng lên.
Ông nói nữa: Với cặp chân giả như thế này, anh có thể bay, có thể lên tới
tận ông Trời. Thực là một công việc đáng là một công việc...
Mêrétxép lẩm nhẩm:
- Cám ơn, cám ơn bác lắm. Thực là một công trình xuất sắc.
Ông thợ im lặng ngập ngừng như muốn hỏi thêm một câu nữa nhưng
ngập ngừng không hỏi lại, hay như chờ người ta hỏi lại mình. Đoạn, ông
thở dài thất vọng, bước lần ra cửa rồi chào mọi người:
- Vậy thì thôi, xin chào ạ! Cầu chúc các anh đều may mắn.
Stơrúccốp lớn tiếng gọi:
- Nè, nghệ sĩ, lấy cái này mà nhậu mừng cái chân giả của bác mà “chỉ có
Nga hoàng mới được xài” chớ?
Nói rồi, anh nhét vào tay ông già một sấp tấm giấy bạc lớn.
Ông già vui vẻ hẳn lên trả lời:
- A! Cám ơn, cám ơn! Anh nói đúng đấy, phải đánh chén chứ!
Nói xong, ông cẩn thận cất tiền vô túi và kéo áo bờlu lại, Đúng điệu bộ
của người thợ thủ công khi xếp lại khăn tạp-dề mặc khi làm việc:
- Cám ơn các anh, rồi đánh chén chứ! Nè, về cặp chân thì, lạy Chúa! Cứ
tin cậy ở nó! Vaxili Vaxiliêvít thì nói riêng với tôi rằng: “Duiép, đây là một
chuyện quan trọng, tôi tin ở bác đấy”. Đã vậy thì anh có thể tin lời Duiép:
là Duiép, thì có thể tin cậy được. Và có dịp gặp Vaxili Vaxiliêvít, đừng
quên nói giùm là rất vừa ý cặp chân này nhé!
Ông lui ra, chào mãi không thôi, và miệng vẫn nói lải nhải. Mêrétxép lại
nằm xuống. Anh nhìn cặp chân mới, đặt ở đó, cạnh giường anh. Anh càng
nhìn, càng thấy cặp chân làm khéo vừa chu đáo vừa nhẹ nhõm: có thể đi xe