cây màu xanh đã phai màu; những căn chòi nhỏ xinh xắn, có những tấm
ván đóng đinh lên; những biệt thự nhỏ nhìn thấy thấp thoáng qua những
rặng cây; những bãi cỏ long lanh như ngọc thạch bên cạnh những dòng
nước khô cạn; những ngọn thông đứng thẳng như những cây nến, mà ánh
nắng chiều làm sáng vàng lên những nét lăm tăm; và xa xa, chân trời từng
chỗ xanh xanh đằng kia, trong bóng chiều hôm, sau đám cây rừng.
- Này anh, anh là quân nhân, nói tôi nghe này, anh có cho rằng như thế là
đúng không? Đã hơn một năm rồi, chúng ta đơn độc chống với phát xít, còn
đồng minh của ta, họ làm gì? Mặt trận thứ hai của họ đâu nào? Anh thấy
không: có bọn kẻ cướp nó nhảy xổ vào đánh một người lương thiện chỉ biết
làm ăn cần cù tối ngày, chẳng nghi chẳng ngờ gì cả. Nhưng người ấy không
chịu khuất phục, cầm cự và chống lại cả bọn. Người đó có một mình, mà
bọn nó thì đông. Bọn nó đã võ trang và đã mưu mô tính toán từ lâu. Được
rồi. Những nhà láng giềng thấy anh can trường, thì khuyến khích, ừ, đánh
đi! Hay! Thế là đáng đời chúng nó, đập dữ vào, đánh nữa đi nào! Nhưng
đáng lẽ phải giúp đánh bọn ăn cướp, thì lại chỉ đưa cho anh ta vài cục sỏi,
cục sắt. Ừ đánh đi, có cái này thì đánh khỏe hơn đó, nhưng họ thì tránh ra
cho khỏi bị đau. Phải rồi đấy, đồng minh của ta làm thế đây; họ chỉ nhìn
chúng ta đánh thôi.
Mêrétxép nhìn ông già bé nhỏ, với cặp mắt tò mò. Nhiều hành khách
nhìn hai người, và trong toa tàu chật cứng, tiếng nói của hành khách trao
đổi ý kiến nhao nhao khắp:
- Ông cụ nói đúng đấy. Chúng ta đánh một mình, tự lo liệu lấy. Mặt trận
thứ hai đâu nào?
- Ôi chao! Thì cứ đánh khỏe thêm chút nữa nào chứ sao, hở trời! Xoay
xở một mình cùng được. Rồi thì mặt trận thứ hai sẽ mở khi nào cơm ăn
xong, tới tráng miệng.
Xe lửa ngừng ở một nhà ga xép vùng ngoại ô. Một vài thương binh, mặc
áo ngủ của nhà thương chống nạng hay gậy, bước lên toa xe, tay cầm
những gói trái cây và hạt quý, chắc hẳn vừa ở chợ nơi nào đó trở về nơi
dưỡng bệnh. Ông già nhỏm vội dậy: