lạ nhất đời. Để vừa ý chủ, kiến trúc sư đã cho xây ở bên hồ một căn nhà đồ
sộ bằng gạch có cửa sổ nhỏ xíu và che chàng mạng, có chòi canh, có bậc
lên xuống, có cầu, bao trùm trên tất cả là những mái ngói nhọn hoắt. Căn
nhà quái gở chẳng hòa hợp chút nào với khung cảnh tĩnh mịch. Cảnh nơi
đây đẹp lạ lùng! Những ngày tốt trời, mặt hồ phẳng lặng như tấm kính soi
có những cụm cây hoàn diệp liễu non xinh xắn lá cành rào rào, đổ xô xuống
mặt nước. Đó đây, trong đám cành lá dày đặc, hiện ra một cây bulô thân
trắng. Đỉnh biếc xanh của một khu rừng cũ kỹ bao vây toàn bộ phong cảnh
một vòng lô nhô. Tất cả soi trong tấm kính nước, tan trong những tầng
nước sâu xanh biếc.
Nhiều nhà danh họa đã tới thăm chủ nhà này, mà cả nước Nga ai cũng
đều biết tiếng là trọng khách. Và nhiều bức tranh đã họa, dưới đủ mọi vẻ,
cảnh đẹp nơi đây, tượng trưng cho cảnh đẹp hùng vĩ và kín đáo của thiên
nhiên nước Nga.
Chính cung điện ấy, đã dùng làm nơi dưỡng sức cho không quân Liên
Xô. Thời bình, các phi công đem theo vợ và đôi lúc tất cả gia đình đến nghỉ
ngơi nơi đây. Thời chiến, thì dùng làm nơi dưỡng sức cho các thương binh
vừa ra khỏi bệnh viện cần tĩnh dưỡng. Alếchxây đi vô nhà dưỡng sức bằng
đường tắt, không đi qua con đường lớn tráng nhựa, có cây bulô hai bén,
nhưng phải vòng hơi xa. Anh đi trên con đường mòn băng qua phía rừng,
từ ga tới hồ nước. Có thể nói rằng anh đã vào nhà dưỡng sức bằng lối tập
hậu, vì thế chẳng ai chú ý tới anh và anh đã trộn lẫn vào được với đám
người đứng quanh hai chiếc xe ca đầy nhóc người đậu ngay trước những
bậc lên xuống ở cửa chính.
Qua những lời nói chuyện, những câu ứng đáp, những lời dặn dò mà anh
nghe được, anh hiểu đó là những phi công sắp rời dưỡng đường để ra mặt
trận, được các bạn còn ở lại tiễn đưa lên đường.
Những người ra đi mừng vui như sắp tới những trại đóng yên ổn nhất,
chớ không phải tới bầu trời mà cái chết chờ đợi sau mỗi đám mây. Những
kẻ còn ở lại, thì nét mặt tỏ ra nôn nóng buồn rầu. Đó là những tình cảm mà
Alếchxây thông cảm vô cùng. Từ đầu cuộc chiến tranh to lớn đang diễn