Anh thấy trong cỏ một cọng chua me có nhiều nước, lấy ngón tay tước
những sơ, rồi cắn khau kháu có vẻ ngon lành lắm. Lại nghe tiếng máy rầm
rầm và hai máy bay trở lại sát cánh nhau, bay là là trên mặt đường.
Phi cơ bay thấp đến nỗi có thể thấy màu sơn vàng sạm trên cánh, thấy
những chữ thập màu đen và trắng và cả con “xì chuồn” sơn trên thân máy
bay. Trung úy uể oải bứt vài cọng cỏ nữa, nhìn đồng hồ và ra lệnh cho tài
xế:
- Bây giờ, thì có thể đi được! Và lẹ lên đấy nhé! Ông bạn! Mau mà đi
khỏi chốn này đi!
Tài xế bấm còi, thiếu nữ tải thư từ khe hẻm trở lại. Cô đem theo mấy trái
dâu rừng lủng lẳng ở đầu cuống, tặng trung úy. Anh bứt dâu rồi cắm vào
khuyết cúc áo như cắm một bó hoa, nói:
- Đã chín rồi... Tôi quên cả rằng bây giờ trời đã vào hè!
Cậu thanh niên, lại im lìm như cũ, vừa bị xe cam nhông chạy lắc lư, vừa
hỏi trung úy:
- Sao biết được tụi nó không trở lại?
- Đâu phải tinh ma gì mới biết được. Đấy là phi cơ Mét-se-mít 109.
Chúng chỉ đủ xăng nhớt bay 45 phút. Bây giờ chúng phải cút đi lấy xăng.
Anh giải thích một cách lơ là, như không thể tưởng tượng được rằng có
người lại không biết cả những điều rất giản đơn ấy. Thanh niên chú mục
nhìn về phía chân trời. Anh muốn là người đầu tiên báo cho mọi người thấy
máy bay Mét-se-mít trở lại. Nhưng không khí vô cùng trong lành và đượm
tất cả mùi thơm của cỏ dại, của cát bụi và của đất nóng xông lên; trong
đồng cỏ, dế kêu vô cùng vui tai; một con chim sơn ca tuốt tận trên cao, phía
trên trông tràn đầy cỏ hoa hót vang trời với một giọng vô cùng lanh lảnh,
khiến anh quên cả những máy bay Đức cùng những nỗi hiểm nghèo của
mình và đồng bọn. Anh bắt đầu hát. Bằng một giọng rất trong trẻo, anh ca
một bài ca đang thịnh hành ở mặt trận, bài ca kể chuyện một chiến binh
đang ở trong lều nơi mặt trận mà tưởng nhớ đến người yêu ở nơi xa xôi.
Bạn đồng hành của anh đột ngột hỏi:
- Thế bài “Cây dâu” có biết không?