Hai địch thủ chồm vào nhau với tất cả sức mạnh của mình.
Chiếc Lavốtkin 5 và chiếc Phốc Vun 190 đều là những phi cơ bay lẹ. Hai
địch thủ tiến tới nhau với tốc độ nhanh hơn cả âm thanh. Alếchxây
Mêrétxép và một phi công cừ khôi trong sư đoàn nổi tiếng Ríchhôphen
đang mặt thẳng mặt sấn tới nhau.
Đánh nhau mặt thẳng mặt trên không, chỉ trong một tích tắc, mau đến nỗi
không kịp cho một người lẹ tay nhất đủ thì giờ châm mồi điếu thuốc. Để
đối phó trong tích tắc đó, người phi công phải đem tất cả nghị lực, tinh thần
và gân cốt của mình ra, nhiều hơn trong cả một ngày chiến đấu ở dưới đất.
Thử tưởng tượng hai chiến đấu cơ bay lẹ xô vào nhau với tốc lực cao
nhất của mỗi bên. Máy bay địch mỗi lúc một lớn rất lẹ. Tất cả những bộ
phận của nó đều bỗng lộ rõ: cánh nó, chong chóng nó xoay bóng nhoáng,
những chấm đen của súng nó. Chỉ trong chớp nhoáng, hai máy bay sẽ đập
vào nhau, sẽ đều tan tành, và sẽ không thể biết đâu là người, đâu là máy chi
cả nữa. Trong giây phút này, không phải chỉ nghị lực mà là tất cả sức lực
tinh thần con người của phi công được thử thách. Kẻ nào chỉ yếu đi một
chút thôi, không chịu đựng được sự căng thẳng thần kinh đặc biệt này,
không đủ can đảm dám chết để thắng, kẻ đó sẽ bất giác kéo cán chổi về
phía mình, để cho phi cơ bay vọt lên, tránh cơn bão táp đang ào tới, và thế
thì, chỉ trong giây lát, máy bay đó sẽ bị tan tành dưới đất, thân phi cơ bị đạn
trổ nát và cánh phi cơ tan gẫy. Thế là chết toi. Một phi công giỏi biết rõ
điều đó, nên chỉ có những kẻ dũng cảm nhất mới dám chiến đấu trực diện
như vậy.
Hai địch thủ đâm xổ tới nhau dữ dội vô cùng.
Alếchxây hiểu ngay rằng mình đang chạm trán với không phải một cậu
trẻ nào của khóa học Gơrinh
đã học cầm lái cấp tốc với chương trình
luyện tập rút ngắn và được tung ra trường chiến đấu để lấp những lỗ trống
đào trong không quân Đức sau những tổn thất lớn ở mặt trận miền Đông.
Anh đang đối đầu với một phi công có tài của sư đoàn Ríchhôphen, mà trên