Ngày thứ ba của cuộc du hành qua rừng rậm mà chưa hề gặp một bóng
người. Một chuyện bất ngờ xảy ra:
Anh thức dậy, lúc mặt trời vừa hửng sáng, run lẩy bẩy vì vừa lạnh vừa
sốt. Anh thọc tay trong túi, thấy có cái bật lửa mà người thợ máy Iura đã
lấy một cái vỏ đạn làm tặng anh để lưu niệm. Trước đó, thì không bao giờ
anh nghĩ ra rằng có thể đốt được lửa. Anh bứt mấy cành cây khô có rêu,
trên cây thông mà anh ngủ dưới đó hồi hôm, xếp thêm quả thông khô lên và
quẹt lửa. Từ ánh lửa bốc cháy vàng vút lên một luồng khói đen. Củi khô và
có mủ cháy lẹ thành một ngọn lửa vui vui. Lửa bắt vào quả thông, nhờ gió
thổi, lửa cháy lan ra kêu rít rít.
Lửa lắc rắc, hơi nóng bốc lên ấm áp và khỏe người. Anh khoan khoái vô
cùng, tháo phécmơtuya cởi áo, móc túi áo trong lấy ra một tập thư, giấy đã
ngả mầu vàng, dòng chữ tròn và nắn nót; anh lấy một bức, rút ra hình một
chị nữ thanh niên người thanh tú, mặc áo hoa sặc sỡ, ngồi trên cỏ, hai chân
chéo nhau. Anh ngắm nghía hồi lâu, rồi cất cẩn thận vào cái kẹp bằng nhựa
trong, anh giữ trong tay, trầm ngâm giây lát, rồi lại bỏ vào túi.
- “Được mà, được mà, thế nào rồi cũng sẽ qua được mà”. Anh nói không
biết với thiếu nữ, hay nói với chính mình. Rồi anh lại nhắc lại.
- Thế nào rồi cũng được mà...
Với cử chỉ đã trở nên quen, anh tháo ủng ra, cởi băng và ngó hai bàn
chân anh. Chân lại còn sưng hơn trước nữa, và ngón chĩa ra các phía như từ
một cái bong bóng đâm ra; màu thì tím ngắt, tím hơn cả hôm qua.
Anh thở dài từ giã đám lửa tàn và lại bước ra đi, gậy của anh chống
xuống băng kêu kèn kẹp. Anh cắn môi, sắp ngất đi. Bỗng nhiên, ngoài tiếng
rừng vi vu mà anh đã quen tai, anh nhận ra từ xa có tiếng máy nổ. Lúc đầu
anh cho là anh mê sảng vì mệt. Nhưng tiếng máy nghe rõ dần, lúc vang lên
khi máy rồ, lúc chạy êm. Có lẽ là bọn giặc Đức đương đi theo đường này.
Anh lạnh người.