- Dạ! Gia đình em đương sống như thế đấy. Bây giờ thì cả thảy có ba
người: em cùng Phétca và má. Trước em còn một em bé gái nữa, tên là
Nhútca, nhưng đã chết mùa đông rồi; rồi lại một em trai út cũng đã chết.
Thế nên bây giờ mới còn ba. Thế này anh này! Giặc Đức sẽ có còn trở lại
nữa không, anh bảo em đi! Ông ngoại em hiện nay làm chủ tịch chỗ chúng
em đó, có nói: “Người chết thì có bao giờ trở lại nữa!”. Nhưng má em thì
vẫn cứ sợ chúng nó trở lại nên thường nói thà ra đi... Kìa, anh ơi! Ông
ngoại và em Phétca đã đến kia!
Quả nhiên vừa lộ ra ở mép rừng Phétca, chú bé tóc hung hung đỏ. Em
chỉ Alếchxây cho ông già lưng còng mặc một chiếc áo rách tứ tung, may
bằng vải sô dệt bằng khung dệt trong nhà và nhuộm bằng nước hành. Dây
lưng của ông là một dây sợi và ông đội cái mũ cao của sĩ quan Đức.
Ông cụ mà mấy cậu em thường kêu là ông Mikhailô người cao, gầy trơ
xương và khom khom. Mặt cụ hiền hậu như một ông thánh Nicôlai trong
các nhà thờ vùng quê, tạc bởi những bàn tay của các nhà nghệ sĩ ngây thơ,
mắt như mắt trẻ em, trong và sáng, điểm thêm râu lơ thơ cong cong như
sóng gợn và trông như bằng bạc. Cụ bọc Alếchxây trong một cái mền da
cừu loang loang lổ lổ và rách vá nhiều chỗ. Cụ nâng anh, ôm dễ dàng cái
thân hình không còn gì nữa của anh và vừa làm vừa nói, tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Trời ơi! Sao mà ốm đến thế này? Cháu thực chỉ còn có xương. Một bộ
xương! Chiến tranh tàn ác đến nỗi này sao? Ôi chào ôi! Chào ôi!
Cụ kỹ lưỡng lắm, kỹ như ôm một đứa con nít mới sanh. Cụ đặt Alếchxây
trên cái cộ kéo, lấy cái dây cột chặt anh, nghĩ ngợi một lát, rồi cởi áo
choàng ra cuộn tròn lại, và đặt xuống dưới đầu Alếchxây. Rồi cụ lại đến
phía trước cái cộ, luồn qua cổ cái vòng đai nhỏ làm bằng vải bao, đưa cho
mỗi em nhỏ cầm một sợi dây cột vào cộ, rồi “Ra sao thì ra!”. Cả ba ông
cháu ra sức kéo. Tuyết chảy, dính vào giày tuyết, kêu răng rắc và bét dưới
chân như bột nghiền.