Alếchxây thấy mình nằm trên tấm nệm, bằng một chiếc sơ mi dài rộng
của cụ Mikhailô, khâu vá lung tung, nhưng sạch sẽ và êm êm. Anh thấy
mát mẻ và toàn thân khoan khoái. Anh tắm xong, hơi khói bốc ra khỏi hầm
qua một cái lỗ trên lò, chị Vácvara cho anh uống nước thuốc nấu bằng lá
cây rừng ám mùi khói. Anh uống từng hớp nhỏ, nhấm nháp với hai cục
đường do các em nhỏ đã đem đến được chị Vácvara nghiền nhỏ và đã để
lên mảnh vỏ bulô cho anh dùng. Rồi anh ngủ thiếp đi, một giấc ngủ ngon
lành, lần thứ nhất không mơ.
Anh sực tỉnh dậy khi nghe tiếng hai người bàn tán. Hầm tối lắm, ngọn
đuốc chỉ le lói không đủ sáng. Trong bóng tối và khói mù, tiếng cụ
Mikhailô lanh lảnh:
- Đầu với óc! Đầu óc bà để đâu mới được chứ! Người ta nhịn đói mười
một ngày trời rồi, không có một hột trong bụng, lại vác trứng luộc lại.
Trứng luộc ăn sao được. Chị muốn người ta chết sao? Mà bây giờ đâu có
cần trứng, bây giờ cần nước súp gà. Rồi bỗng giọng ông già dịu lại như cầu
xin:
- Bây giờ không phải lúc anh ta ăn trứng, bà Vaxilixa ạ! Anh ta cần bây
giờ là cần canh gà. Có cái đó, anh ta mới sống trở lại được. Vậy thì còn con
“Du kích” của bà?...
Tiếng một bà già cứng cỏi và nghe khó chịu chặn lại như kinh khủng:
- Cho nó ấy à? Không đời nào đâu! Không, không là không. Ông muốn
nói gì tôi cũng không chịu đâu. Cụ quỷ sứ già ơi! Đừng có nói nhiều nữa.
Chuyện với trò! Con “Du kích” của tôi, tôi yêu nó thế mà đem nấu canh
sao? Khuân được lắm thứ đến đây đấy hắn, mà ông cho nó ấy à? Không đời
nào đâu! Không, không là tưởng đã đến lúc đình đám đấy hả? Ông nghĩ với
ngợi gì thế?
- Bà Vaxilixa này! Bà không mắc cỡ sao? Làm như bà không có hai đứa
con ra trận ấy? Người ta đã phải hy sinh cả da cả thịt, người ta đã phải đổ
máu vì mình...
- Tôi không cần máu mủ anh ta? Tôi có hai con tôi đổ máu cho tôi rồi.
Thôi đừng nài nỉ gì cả. Tôi nói không được đâu. Tôi đã nói không thì không