có đâu nhé.
Bóng một bà già lướt ra phía cửa hầm và cửa hé để lọt ánh sáng xuân
tràn vô trong hầm. Alếchxây chói mắt, nhắm mắt lại, khẽ rên. Cụ Mikhailô
lại gần anh:
- Con không ngủ sao? Con có nghe nói chuyện không?
- Nghe thấy hả? Xin con, Alếchxây ạ! Đừng tưởng mụ ta tồi, đừng phê
phán mụ theo như lời mụ ta nói nhé! Mụ nói thế nhưng trong lòng tốt lắm.
Đừng tưởng mụ keo kiệt không cho mình con gà. Không phải thế đâu
Alếchxây, con ạ! Con có biết bọn giặc Đức đã tàn sát gia đình mụ không:
gia đình đông lắm, mười người. Mười người bị bọn Đức giết mất cả! Con
lớn của mụ là đại tá. Bọn Đức biết vậy liền bắt cả gia đình, trừ mụ. Rồi
chúng chôn luôn tất cả trong một hố. Nhà mụ bị đốt rụi. Tuổi mụ lớn vậy
rồi mà không có nhà, không bà con nữa, thực cực khổ quá. Mụ chỉ còn cứu
được một con gà mái, chỉ một con thôi. Nhưng con gà đó khôn ngoan sao,
Aliêusa con ôi! Ngay tuần đầu đến làng, giặc Đức đã bắt tất cả gà vịt trong
làng, không để lại một con nào. Bọn Đức ham gà vịt của mình lắm. Câu
đầu tiên đứa nào cũng nói là: “Bà già này, có gà không?”. Có lẽ tất cả gà
mái đều bị bắt hết, trừ con gà ấy. Thực không phải là con gà nữa, mà là một
nhà nghệ sĩ vậy! Khi bọn Đức vô sân nhà, thì nó đã lên vựa lúa, và nó đứng
im để mọi người quên nó đi. Không nghe tiếng nó nữa. Những người như
ta nó đâu có sợ, nó cứ đi đi lại lại! Chịu không biết làm sao nó nhẩy ra
được khỏi bọn giặc Đức. Dầu sao cả làng này chỉ có mình con gà mái ấy là
thoát tay Đức. Từ đó cái con gà tinh ranh đó, ở đây kêu nó là con “Du
kích”.
Mở mắt, nhưng Alếchxây thiêm thiếp. Đó là một thói quen từ khi anh
vào rừng. Anh nằm yên làm cụ Mikhailô lo sợ. Sau khi quanh quẩn trong
hầm, rồi đến gần cái bàn, loay hoay cái này cái khác, cụ lại nói tiếp:
- Đừng cho mụ ta là tồi, Alếchxây nhé! Con, con là một anh chàng tốt,
con phải hiểu mụ ấy. Trước kia mụ cũng như cây bulô già nằm trong rừng
rộng, được chắn gió, giờ thì mụ như một khúc gốc, đương bị đẵn vậy. Con