Mêrétxép mê mệt đến nỗi không để ý biết chủ nhà đã đi khỏi. Mê man
luôn một ngày nữa, mãi sáng hôm sau nữa anh mới tỉnh. Lúc đó mặt trời đã
lên cao, từ trên trần hầm lọt xuống chân anh một luồng ánh nắng đặc, nó
xuyên qua khói biêng biếc của lò bếp và không làm tan bóng tối, lại khiến
cho bóng tối như đầy thêm.
Hầm trống không. Tiếng chị Vácvara khẽ và khan khan từ ngoài cửa hầm
trên cao vọng vô. Có lẽ chị đang làm chi đó, vừa làm chị vừa hát một bài
dân ca thông thường của vùng rừng rú này. Đó là lời than của một cây dâu
trơ trọi tưởng nhớ tới cây sến cùng trơ trọi một mình ở xa xa.
Alếchxây đã từng nghe bài này nhiều lần. Các cô thiếu nữ những thôn
lân cận thường hát khi các cô từng đoàn vui vẻ kéo đến giúp san bằng hay
dọn dẹp sân bay. Anh thích điệu ca lê thê và đượm buồn đó, nhưng cho tới
nay anh chưa hề để ý tới lời ca.
Trong không khí căng thẳng hồi còn chiến đấu, những lời ca ấy không
nhập vào ý thức anh. Nhưng hôm nay lời ca, từ miệng người chinh phụ trẻ
tuổi có cặp mắt đẹp này, xúc động một cách sâu sắc. Lời ca biểu lộ không
chút che giấu tấm lòng lo buồn của chị, và Alếchxây, qua bài ngâm, cảm
thấy rõ tận trong đáy lòng mình, tất cả tấm lòng tha thiết của chị Vácvara
đang nghĩ tới ai cũng như cành dâu mỏng mảnh nọ đang nghĩ tới sến xa xôi
của mình.
Em dâu đành mãi một mình
Sống xa anh sến hữu tình, than ôi!
Số dâu muôn kiếp thế thôi
Run run như đứa trẻ côi khác nào.
Chị hát như vậy, tiếng chị hát nghẹn ngào như đượm những giọt lệ chân
thành. Khi chị không hát nữa Alếchxây tưởng tượng chị ngồi dưới gốc cây
chan hòa nắng xuân, nét mặt buồn, lệ lưng tròng mắt. Anh thấy mình cũng
nghẹn ngào y hệt chị, và anh muốn lấy gói thư của anh giữ trong túi áo ra
đọc một lượt, tuy anh đã thuộc lầu. Anh muốn ngắm nghía tấm hình người