làm thế nào mà tiến lên được. Chắc phải có cái sức gì ghê gớm lắm nó hút
anh đến với đồng bào, đồng đội. Ngay trong lúc mê sảng, anh cứ nói hoài:
phi trường, phi trường... Và cũng nói những cái gì gì ấy nữa, trong đó có
nhắc tới tên Onga nào đó. Có ai tên như thế ở phi trường các người không?
Hay là vợ anh? Anh có nghe tôi không? Anh phi công! Có nghe nói đấy
không, hả?
Đếchcharencô quả là không nghe. Anh đang hình dung người bạn anh
kia, trông có khác chi bọn thanh niên khác ở trung đoàn đâu, mà ngày đêm
bò, trườn, lăn mình được qua rừng, qua truông, trên tuyết tan, kéo lê thê cặp
giò đã giá cứng hay đã gãy nát. Anh nghĩ tới bạn anh, muốn ra sao thì ra,
cũng cố trốn thoát tay giặc về hàng ngũ của mình nên sức đã kiệt mà vẫn cứ
bò, bò không được nữa thì trườn trên mặt đất. Nghề phi công săn giặc đã
làm cho Anđơrây quen nguy hiểm; khi anh bay ra trận, không bao giờ anh
nghĩ đến cái chết; những khi ấy, anh thấy trong mình rạo rực một thứ hân
hoan riêng là khác nữa. Nhưng một mình trong rừng, trong trường hợp
này...
- Bác gặp anh ấy hồi nào?
- Hồi nào?
Cụ già chép môi, lấy điếu thuốc nữa tháo ra, rồi lại cuốn vào mẩu nhật
trình nữa.
- Anh muốn biết hồi nào? Ờ! Đúng thứ bảy, trước ngày hôm chủ nhật
đầu Lễ Chay. Thế tức là đúng một tuần rồi.
Đếchcharencô làm tính nhẩm và kết luận. Vậy anh Alếchxây bò trong
mười tám ngày và mười tám đêm. Đối với một thương binh, không lương
thực, bò được lâu đến thế đó là một việc khó tưởng tượng. Phi công ôm ghì
cụ già nói: “Cám ơn bác! Cám ơn ông gà!”
- Có gì phải cám ơn! Có gì! Thật là không có gì để cám ơn. Anh hãy coi
lại này. Nói thế mà nghe được sao? Tôi là người ngoại quốc đấy à?
Rồi cụ giận dữ quay lại, thấy con dâu đang đứng như thường lệ, có vẻ
như buồn rầu và suy nghĩ, má tì trên tay, cụ quát lên: