điện tại Bắc Kinh. Mặc dù nơi này đã được Hoàng Đế Gia Long xây cất
vào năm 1802, nhưng tất cả những kiến trúc này đều được phác họa và
xây cất giống như những đền đài, cung thự của các vua chúa nhà Minh
bên Trung Hoa ngày xưa. Ông Trần Văn Hiếu đã đứng chờ Joseph
Sherman ngay cổng vào đại nội, bên dưới cửa Ngọ môn với mái ngói
hoàng lưu ly màu vàng không khác chi cửa Thái Bình bên Bắc Kinh.
Thống đốc Nam Kỳ biết bà Sherman sẽ ra Huế nên ông ta đã xếp đặt
mời bà Flavia tham dự chung với phái đoàn chính thức của ông ta đi dự
lễ mừng xuân của triều đình Annam, ông ta cũng thu xếp để Trần Văn
Hiếu đưa Joseph đi viếng thăm các đền đài, cung điện chung quanh
thành nội trước khi cuộc lễ bắt đầu.
Kể từ khi rời khỏi trại săn cho tới lúc này, đây là lần đầu tiên Joseph
trút bỏ được những nỗi buồn phiền chất chứa trong lồng mình. Anh
ngoan ngoãn bước bên cạnh viên quan người Annam có hàm râu thưa,
lúng túng trong đôi hài lễ, líu lo kể cho anh nghe tên những đền đài,
những dinh thự mang đầy màu sắc kỳ bí chung quanh khắp hoàng
thành. Điện cần Chính, Đai Cung Môn, Thái Miếu, Thế Miếu, Điện
Càn Nguyên, Khâm Thiên Giám và không biết bao nhiêu nơi khác mà
anh được đưa đi viếng thăm, nhưng điều làm cho tuổi trẻ của chàng
thiếu niên bị du vào cái thế giới huyền bí nhứt là khu vực Tử Cấm
Thành bên trong nội thành, nơi mà người ta mượn tên ngôi sao Bắc
Đẩu để đặt tên cho một khu vực tiêu biểu cho Thiên Tử, và theo Trần
Văn Hiếu giải thích thì cũng giống như ở Bắc Kinh, Hoàng Đế Annam
cũng cư ngụ bên trong Tử Cấm Thành, nơi mà không một ai được phép
đặt chân vào ngoại trừ Hoàng Đế và những người thuộc hoàng tộc.
Những người Âu Châu quyền thế chưa một ai được phép vào khu vực
này cả.
Bên ngoài điện Thái Hòa có không biết bao nhiêu tượng đồng, tượng
đá sơn màu hoàng tộc, còn có những tác phẩm điêu khắc chạm hình
những con vật thần linh cùng những tượng hình của các quan quân to
lớn như người thật; tất cả được trưng bày bên dưới các tàng cây dựng
cảnh rực rỡ màu sắc. Vào bên trong sân chầu, Joseph gặp ngay đoàn