Khi Đồng và Học rời khỏi nơi này thì cặp rằng Phát rút trong túi ra
một cuốn sổ tay, y lẩm bẩm khó chịu ghi vào một dấu nhỏ bên hàng số
đơn vị chỉ danh của căn nhà.
Trời vẫn tối đen, Đồng dừng bước để dựa Học đang run lẩy bẩy vào
vách nhà.
— Em hãy đứng yên ở đây, nhớ đừng để người ta thấy. Anh đi lo
chôn cái xác đó. Hãy chuẩn bị đồ đi cho anh nữa, em nhớ uống luôn
phần thuốc ký ninh của anh nữa nghe.
Nói xong, Ngô Văn Đồng nhét vào tay em mình phần cơm nguội gói
trong mảnh lá chuối, phần cơm mà hai anh em phải trích ra từ bữa cơm
chiều hôm trước để dành làm phần ăn sáng lấy sức làm việc.
— Em hãy ăn luôn phần cơm của anh đi, sáng nay anh không thấy
đói.
Ngô Văn Học gật đầu, thẫn thờ đưa mắt nhìn theo bóng dáng của anh
mình đang hối hả chạy nhanh về hướng khu nhà của những tên cặp
rằng để tìm cuốc, xẻng. Một đỗi sau Đồng quay lại bên xác chết. Cái
thây người chết nhẹ hơn Đồng tưởng. Kẻ xấu số lại là một nông dân
thuộc vùng châu thổ sông Hồng. Ông bị cưỡng bức đưa vào Nam với
nhiều người khác sau trận bão lụt tàn phá hết đê điều, ruộng vườn ngoài
đó. Kẻ vắn số đến làm việc tại đồn điền này chưa được một năm thì bị
ngã nước và bị bệnh sốt rét rừng. Bàng hoàng trước công ăn việc làm
quá kham khổ, lại mang lấy cơn bệnh ngặt nghèo, nên người phu cạo
này ít nói với ai về thân phận của mình, và cũng không nói cho ai biết
về gia đình mà ông còn bỏ lại ngoài Bắc.
Già Trung, người phu cạo trung niên, nghèo khó, cũng là người từng
nhắm mắt ký giao kèo làm việc cho đồn điền trong thời gian ba năm để
có tiền sinh sống, nhưng nghèo khó vẫn đeo đuổi già cho tới cùng. Đã
ba năm qua già vẫn không đủ ăn và vẫn không có đủ tiền để rời khỏi
nơi này. Ngô Văn Đồng đưa sợi dây buộc vào cổ người chết, anh làm
việc này như đã từng quen thuộc với tình cảnh bây giờ lắm. Cột xong
cái xác chết, Đồng chạy quơ vội đồ đạc của người quá cố. Không có gì