“Sự vĩ đại của các triết gia trong cách mạng khoa học,” Arthur Koestler
viết, “không dựa nhiều vào việc tìm ra đáp án đúng mà là đặt ra câu hỏi
đúng; là việc nhìn ra vấn đề ở góc độ chưa ai nghĩ tới; là biết thay câu hỏi
‘tại sao’ bằng ‘như thế nào’.”
Jonas Salk đồng tình: “Đáp án cho bất kỳ câu hỏi nào cũng đều ‘có sẵn’. Ta
cần tìm ra đúng câu hỏi để tìm ra đáp án.”
Vậy nên hãy chú ý khi bạn đặt câu hỏi hay khi nhận định vấn đề.
Nếu bạn gặp khó khăn khi giải quyết vấn đề hay nếu giải pháp tìm được có
vẻ không đầy đủ, hãy thử nhận định vấn đề theo hướng khác và xử lý lại.
Để tôi dẫn ra đây vài ví dụ:
Giả sử bạn quản lý một tòa nhà 10 tầng được xây từ thuở mà ai cũng có
phòng làm việc rộng rãi. Dạo đó, chỉ hai thang máy cũng đủ để đưa đón
những người làm việc trong tòa nhà. Nhưng qua nhiều năm, phòng làm việc
rộng được chia thành những phòng nhỏ hơn và giờ đây rõ ràng là hai thang
máy của tòa nhà không thể đáp ứng nổi lượng người đi lại.
Bạn đã cho lắp đặt những thang máy nhanh nhất, hiệu quả nhất và được
điều khiển bởi hệ thống máy tính hiện đại, nhưng mỗi sáng và mỗi chiều
vẫn có nhiều đám đông đi làm cáu giận vì họ phải đợi ba phút hoặc lâu hơn
thế để có thể vào được thang máy. Bạn tới tấp nhận được những lời phàn
nàn. Những người thuê dọa sẽ bỏ đi. Đúng là khủng hoảng.
Bạn sẽ làm gì?
Nếu bạn tư duy vấn đề này một cách tuyến tính (hay thẳng đứng, xin lỗi bạn
vì cách chơi chữ) thì rõ ràng bạn phải nghĩ cách hoặc (a) đưa nhiều người
lên xuống tòa nhà nhanh hơn hoặc (b) giảm lượng người lên xuống cùng
lúc. Do vậy, bạn có thể: