vài nụ, đã hé ra cái màu hồng tươi tắn của cánh hoa đào. Công việc đồng
áng bận mãi. Người ta phải lo cấy cây lúa xuống, cho kịp nước, kịp ải, còn
bận mãi với bao nỗi lo toan, nợ nần sau mùa gặt. Không ai nói ra nhưng
đều hiểu mùa xuân đang đến gần. Chỉ có đám trẻ con mặc áo vá, chùm đụp
trong những cái áo vải sợi, có đứa mặc quần đùi đi chăn bò, rủ nhau đi bắt
cá trong những con mương, đìa, đầm rút cạn nước, đi bắt chuột, trú rét
trong những gò đồi là kháo nhau về chuyện Tết... Tết được ăn bánh chưng,
được diện những bộ quần áo lành lặn, mới nhất mà bố mẹ cất kỹ dưới đáy
rương chỉ để dành cho con cái vào dịp cuối năm, Tết được ghé thăm nhà
nhau, theo bố mẹ đi chúc Tết bên quê nội, quê ngoại. Tết được ăn miếng
dồi lợn luộc, chầu chực từ ba giờ sáng để xin cho kỳ được chiếc bong bóng.
Quả bong bóng lợn trở thành niềm vui cho cả chục đứa trẻ con. Chúng sẽ
quên ăn đưa nhau ra ngoài sân hợp tác đánh bóng. Tết sẽ được người lớn
mừng tuổi. Không đứa nào đoán được mình sẽ được tiền nhiều tiền ít ra
sao, nhưng trăm đứa trẻ con như một đều hy vọng... đều chờ đón nó. Anh
cũng đã hy vọng, và chờ đón em...
- Sao em lại khóc? - Hồng lấy tay lau những giọt nước mắt đang ứa ra
trên gò má của Thùy.
- Em thương anh. Thương anh...
Cô ôm đầu anh, hôn tới tấp lên mặt, lên mắt, lên cổ anh.
Chiếc võng khẽ đung đưa. Cả hai như say trong cơn khát vọng vô bờ.
Thời gian lúc này và cả bầu trời xanh ngoài kia hiện ra sau khung cửa hầm,
cả những sợi nắng vàng tơ đều là của họ.
- Hôn em nữa đi anh!
Thùy ghì sát đầu Hồng vào ngực mình. Anh nghe rõ nhịp tim đập dồn
dập sau lớp da trắng ngần. Nổi lên giữa hai gò vú của người yêu một chấm
nốt ruồi màu nâu thẫm.