Hạnh chui vào các làng hoang trú ẩn. Đêm tối, cô ra ngoài cánh đồng tìm
được cái gì ăn cái nấy. Cô không dám trở lại La Chữ, không dám liều mạng
vào bất kỳ nhà bà con thân thuộc ở quanh các xóm ấp. Cơ sở đã lộ, Hạnh
đang bị tụi hội đồng xã và đám lính nghĩa quân truy đuổi lùng bắt. Cô chỉ
còn biết bám víu vào lời mạ cô dặn cuối cùng bằng mọi giá báo tin lên căn
cứ. Sáu ngày, Hạnh chịu đói, cộng thêm mối lo sợ, người cô gầy rạc. Hồng
và Cường gặp Hạnh ở bến nước huyện ủy buổi sáng đi đồng bằng lên, cả
hai anh em chưa nhận ra ngay. Chỉ đến khi Hạnh gọi, Hồng mới thảng thốt
kêu lên:
- Hạnh phải không em?
- Anh Hồng ơi! Chị Thùy với mạ em hy sinh rồi! - Hạnh khóc tấm tức
như một đứa con nít.
Người đau đớn sau Hạnh là Hồng. Một nỗi đau ngấm ngầm, nhức
nhối. Có lúc anh tưởng phát điên lên, muốn chạy nhào về đồng bằng, đánh
tả tơi tụi ngụy cho hả. Cuốn sổ nhật ký của Thùy, Hồng vẫn giữ. Nét chữ
tròn tròn, mỗi trang, mỗi dòng anh đọc lại tưởng như hiện lên gương mặt
Thùy, với từng nụ cười, và hàm răng trắng lóa, đôi mắt đen trong sáng,
chân thật. Cuộc đời thật phi lý! Cái chết thật phi lý. Lẽ ra cái chết ấy phải
giáng xuống đầu những tên lính ngụy đang đi nghênh ngang trên đỉnh đồi
Chóp Nón, Hòn Vượn, giáng xuống đầu những tên bảo an đêm đêm nằm
phục kích dưới đồng bằng. Và anh đã khóc! Nước mắt ứa ra, được giấu kín
trong chiếc khăn bông trắng trên mặt võng mặc những lính nằm ngủ trong
căn hầm, mặc tiếng pháo bay rít ngang qua trên đầu, mặc đạn nổ rung
chuyển đất. Đêm tối tựa như một bức màn nhung giải thoát cho anh tránh
khỏi những cặp mắt của bạn bè, chiến sĩ. Và cả của các cô gái bên huyện
ủy, huyện đội nghe tin Thùy hy sinh đã vội chạy sang chia buồn với anh.
Ban ngày gương mặt anh vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, lạnh lùng. Anh vẫn làm đầy
đủ mọi công việc của người cán bộ chỉ huy đại đội, trao đổi công tác, họp
chi bộ, suy ngẫm về cách đánh căn cứ Tứ Hạ. Chỉ có điều anh ít nói hơn.