Hơn ba năm xa Huế, Thùy đã tự đánh mất đi khá nhiều nét vẻ của cô
nữ sinh Đồng Khánh ngày trước. Một thời mơ mộng và vô tư. Cuộc đời với
biết bao biến động cũng như nỗi lo toan của mẹ ở ngoài tâm tưởng cô.
Thích một kiểu áo dài trắng do chính tay chủ tiệm Hoài dưới chân cầu Gia
Hội may cắt. Ngồi trong lớp học một tai nghe thầy giáo giảng bài một tai
nghe ngóng ngoài cửa sổ, đôi mắt như hút lấy chiếc lá bàng khô vừa bứt
khỏi đọt cây bằng lăng trên mái ngói ẩm mốc. Tan học, năm bảy cô gái đạp
xe dọc theo con đường Lê Lợi xanh rợp bóng cây. Thỉnh thoảng các cô
cười phá lên vì biết ở đằng sau xe mình có những anh con trai bám đuôi.
Những buổi chiều Huế bảng lảng ngây ngất. Học không vô. Đọc sách cũng
không nổi. Tiếng thầy trôi tuột vào trong không gian. Các cô cậu học trò
chỉ thấp thỏm chờ tiếng trống tan trường. Hàng trăm chiếc xe đạp. Cả một
rừng áo dài trắng, áo dài xanh da trời túa lên hai cây cầu bắc qua sông
Hương đổ về các ngả trong Thành nội, qua Bãi Dâu, Gia Hội, ngược lên
Kim Long...
Ở tuổi mười tám, Thùy đã có những anh con trai để mắt tới. Một giáo
sư dạy văn bên Quốc học sang dạy giờ cho trường nữ. Một vài bận năm sáu
thầy trò đi ăn chè trái cây trong Thành nội. Và chỉ một lần họ gặp nhau tay
đôi trên cùng một chặng đường từ Thư viện Quốc gia về nhà Thùy. Nhưng
những giờ giảng của chàng trên lớp dường như có một ma lực cuốn hút,
khiến cho cô mê mẩn. Sự hứng thú của giờ Quốc văn chuyển nhanh sang sự
mong mỏi đợi chờ. Những giờ ấy, cô ngồi chăm chú nhưng thực ra trang vở
luôn luôn trắng tinh. Và mỗi khi bắt gặp cái nhìn của thầy soi vào mình cô
lại vội cúi xuống. Tiếng đế giầy của thầy nện trên nền xi măng đi lướt qua.
Cô run lên, chiếc bút bi ghi nhoay nhoáy trên cuốn vở vừa vội lật sang
trang mới. Chính cô cũng chẳng hiểu mình ghi cái gì.
Con Thanh ngồi bên cạnh chí nhẹ vào cánh tay:
- Si chàng rồi phải không?
Thùy liếc xéo cô bạn, tỏ vẻ khó chịu nhưng đôi gò má lại bừng đỏ.