được…..
Cô ôm một đống tướng quần áo, vén mành cửa đánh xạch một tiếng đi vào
nhà. Chiếc mành cửa nhân tiện tôi đi chăn, cưỡi ngựa ra tận cửa hàng cung
tiêu cách ba chục cây số mua về. Cô tỉ mẩn đột từng mũi kim viền một
đường vải trắng quanh mép.
- Thế này thì phải dùng được mấy năm! – Cô bảo.
Cô còn nghĩ đến chuyện mấy năm.
Khi tôi bước vào gian trong, cô đang ngồi khâu đế giầy.
- Khâu cho ai thế? – Tôi bắt chuyện một cách gượng gạo.
- Còn ai vào đây nữa? Nhà có hai người, anh bảo còn khâu cho ai?
Cô giơ tay lên, gại gại mũi kim lên da đầu, động tác khéo léo gọn gàng,
cánh tay mềm mại duyên dáng. Hệt như một vai đào lẳng lơ trong kinh
Kịch, phẩy tay áo thụng có diềm lụa viền phơ phất.
Cái đế giầy thật to, rõ rằng là khâu cho tôi.
Tôi cởi áo nằm xuống giường. Giường đất về mùa hè đến tối nằm mát lạnh
như ánh mặt trăng ấy! Chiếc lưng trần áp xuống lần đệm mỏng, như nổi
trên mặt nước phẳng lặng. Tôi là một chiếc lá rụng, mặc cho làn gió nhẹ
thổi vật vờ đến đâu thì đến. Có lúc tôi đã nghĩ: “ Hỡi đàn bà, ta phải dần
dần hiểu rõ mi! ”. Nhưng ba tháng trời đã trôi qua, mà chỉ có mỗi mình cô
tôi vẫn thấy lạ lẫm hơn, khó nắm bắt, khó lường biết hơn cả khi mới bắt
đầu tiếp xúc. Nhà nữ triết học chân to nói rất đúng: Anh suy ngẫm sao cho
thấu hiểu được con người? Đặc biệt là người đàn bà!
Sáng sớm hôm ấy, chú Lý lái máy kéo trở về, tôi đứng trong chiếc rơ-móc
không. Sau rơ-móc, còn buộc hai con ngựa. Máy kéo đằng trước đủng đỉnh,
theo tốc độ của ngựa đi bước một, còn hai con ngựa ở đằng sau mỗi bước
một khật khưỡng cái đầu, như người ngủ gật chưa đã thèm. Vừa lúc đại đội
ra đồng làm việc, tất thảy công nhân nông trường đã chứng kiến đội hình
kỳ quái của chúng tôi.
Chú Lý mau mồm mau miệng, còn cách đoàn người khá xa đã hét toáng