trời tạnh, tạnh dứt khoát, tựa hồ như trên trời cũng có một chiếc cầu dao
chung đóng mở nước mưa vậy. Trên trời không có lấy một giọt nước, chỉ có
làn gió ẩm sì làm rung lên những gợn sóng lăn tăn trên mặt đất lúc này đã
hoá thành ao hồ. Trên đỉnh đầu còn âm u, nhưng đằng chân trời đã hửng.
Từng đám mây đen khổng lồ cuồn cuộn trôi đi, dần dần tan biến ở chân trời
hửng sáng. Mây đen thưa dần, bầu trời mỗi lúc một quang đãng.
Nhưng mọi người mới thở phào nhẹ nhõm một chút, thì bốn bề thôn xóm
bỗng rít lên những hồi còi lanh lảnh. Tiếng còi rất vang và kéo dài, tựa như
những chiếc dùi sắt gõ liên hồi vào màng nhĩ người ta.
- Mau lên! Mau lên! Mương cái vỡ bờ rồi!
- Lên mương ngay! Lên mương ngay! Toàn nông trường tập hợp!
- Mang theo cuốc xẻng, sọt đất….
- Mau lên, mau lên! Không ai được ở nhà….
Các trung đội trưởng, tiểu đội trưởng chân đất giẫm bùn lép bép vừa chạy
vừa hét. Công nhân nông trường đàn ông đàn bà đều chui ra khỏi nhà, đứng
cả dưới những giọt gianh còn long tong chảy mà hỏi thăm nhau, nghe
ngóng tình hình. Thật ra chẳng còn phải nghe ngóng gì nữa, năm nào cũng
một lần như vậy: mùa hè hễ có mưa rào thì mương chính nhất định tràn.
Nhưng lần này xem ra khác hẳn mọi lần, công nhân chần chừ hỏi nhau:
- Làm thế nào? Đ.mẹ, bỏ đi cả thì ai trông nhà?
- Chỉ giỏi bốc phét! Đ.mẹ, ra cái lệnh cũng không nên hồn!
- Để xem mấy ông đầu nậu có đi không đã, mấy ông đầu nậu không đi thì
chúng mình cũng đếch đi.
- Phải đấy! Chứ nếu thật vỡ đê mương cái, lũ về thì trong nhà cái bát ăn
cũng chẳng còn!
- Lại còn lũ nhóc nữa chứ, làm thế nào bây giờ?
Cánh đàn bà gào khóc.
Nhưng các đầu nậu sau lúc thổi còi đều vác cuốc xẻng chạy cả ra đường cái