giáo, một phần hướng theo Khổng giáo.
Theo Đạo giáo thì kết luận hợp lí là phải vô núi ở ẩn, bắt chước lối sống vô
ưu của tiều phu hay ngư phủ, mà làm chúa trong rừng xanh nước biếc, tâm
hồn hoàn toàn an tĩnh. Nhưng triết học lánh đời đó không được phong phú.
Còn có một triết học phong phú hơn, triết học nhàn tĩnh, và con người lí
tưởng của Trung Hoa là người không trốn đời, trốn xã hội mà vẫn giữ được
bản tính, thiên chân của mình. Kẻ nào còn phải lánh nơi thành thị mà vào
núi ở một mình, thì kẻ đó là một ẩn sĩ tầm thường. Bậc “đại ẩn sĩ” là ẩn sĩ ở
giữa đô thị. Vì tự làm chủ được mình rồi, không sợ bị hoàn cảnh chi phối
nữa. Cho nên nhà sư nào trở về xã hội, ăn thịt, uống rượu, giao thiệp với
đàn bà mà linh hồn vẫn trong sạch thì mới thật là vị “Cao tăng”. Vậy có thể
dung hoà được hai triết học trên. Sự tương phản của Khổng giáo và Đạo
giáo chỉ là tương đối, vì cả hai đều là cực đoan, và ở giữa có giai đoạn
trung gian.
Cái lối sống điển hình cao nhất là lối sống trung dung mà Tử Tư, cháu nội
Khổng Tử đã dạy cho ta. Chưa có một triết học nào tìm được một chân lí
thâm thuý như học thuyết Trung Dung, một học thuyết chỉ cho ta sống một
cách điều hoà giữa hai cực đoan. Cái đạo lí nhẹ nhàng đó đạt tới một sự
quân bình giữa động và tĩnh, tạo nên lí tưởng của một hạng người không
khinh danh mà cũng trọng sự ẩn dật, hoạt động một cách vừa phải mà làm
biếng cũng vừa phải, không nghèo đến nỗi không trả nổi tiền mướn phố,
không giàu đến nỗi có thể ở không mà ăn hoặc có thể luôn luôn giúp bạn bè
một cách vừa ý được, chơi đàn nhưng chỉ đủ để tiêu khiển hoặc để cho
người thân nghe, chơi đồ cổ nhưng chỉ thu thập ít món đủ để trang hoàng
trên một cái tủ, đọc sách nhưng không đọc quá nhiều, nghiên cứu nhưng
không thành một chuyên gia, viết văn nhưng cứ hai bài thì nhà báo gởi trả
lại một; tóm lại là lí tưởng của một lối sống trung bình, một lối sống kiện
toàn nhất mà người Trung Hoa tìm ra được. Lí tưởng đó được Lí Mật Am
tả rất khéo trong bài “Bán bán ca” (Bài ca Một nửa, một nửa) dưới đây: