giữa khoảng trần thế chân thực và thiên đường hư ảo, thì theo tôi, lối sống
đó vẫn là hơn cả vì cận nhân tình hơn cả, mặc dầu người phương Tây có
thể cho là bất mãn vì họ có một quan niệm rất tấn bộ. Chúng ta nhận rằng
loài người cần có một số siêu nhân như các nhà thám hiểm, chinh phục,
phát minh, các vị đại tổng thống, đại anh hùng để thay đổi tiến trình của
lịch sử; nhưng chúng ta cũng phải nhận rằng người sung sướng nhất là
người được chút ít độc lập về kinh tế và làm được chút gì, một chút gì thôi,
cho nhân loại, được xã hội biết tên tuổi một chút thôi, đừng nhiều quá.
Chúng ta đã phải sống trên cõi trần thì cũng nên kéo triết học từ chín tầng
mây xuống mặt đất này mới được .
5. MỘT NGƯỜI YÊU ĐỜI: ĐÀO UYÊN MINH
Như ta đã thấy , sự dung hoà hai quan niệm tiêu cực và tích cực về nhân
sinh tạo được một triết học điều hoà, triết học Trung dung. Quí hơn nữa là
nó còn tạo được một nhân cách điều hoà, mục đích của mọi nền văn hóa và
giáo dục. Và chúng ta nên chú ý rằng một cá tính điều hoà thì yêu đời, coi
đời là một cảnh hoan lạc.
Tôi thấy khó tả được tính chất của lòng yêu đời đó, vậy xin mượn một ví
dụ, xin kể đời sống của một người thực là yêu đời. Và tôi nghĩ ngay tới Đào
Uyên Minh
mà ai cũng nhận là một thi hào bực nhất và nhân vật hoàn
mĩ, điều hoà nhất trong truyền thống văn học Trung Hoa.
Không hề làm một vị quan lớn, không có quyền uy, không có sự nghiệp nào
cả trừ một tập thơ mỏng và vài ba thiên tản văn, mà ông chiếu sáng cổ kim
như một ngọn đuốc lớn, và được các văn nhân thi sĩ coi là tiêu biểu cho
một nhân cách cao quí nhất. Trong đời sống và trong phong độ của ông có
một sự giản phác làm cho ta phải kính phục, rồi tự xét mình mà thấy thẹn.