thấy rằng, cái vui sẽ không vĩnh viễn, rằng hội hè dù vui tới mấy, sớm
muộn gì cũng phải tàn. Họ nhìn đời như một nhà vẽ sơn thuỷ đời Tống nhìn
sau một màn sương bí mật, hoặc sau một lớp không khí mù mù hơi nước.
Cái cảm giác có tính cách nửa hiện thực, nửa tinh thần đó, được chủ nghĩa
nhân bản của người Trung Hoa, được cả cái lối sống và lối suy nghĩ của họ
nhận là đúng, mà triết học của họ chú trọng tới sự hiểu đời hơn là tới sự tìm
chân lí. Gạt bỏ tất cả những lí luận siêu hình, trừu tượng; cho nó là sản
phẩm mơ hồ của trí tuệ, các triết gia Trung Hoa
chỉ nhắm vào đời
sống, chỉ đặt một vấn đề giản dị, vĩnh viễn: “Chúng ta sống ra sao đây?”.
Người ta Trung Hoa cho rằng triết học mà hiểu theo nghĩa của phương Tây
thì thật là phù phiếm, vô ích. Triết gia Tây phương chỉ lo nghiên cứu về lí
luận để tìm những cách đạt tới tri thức, họ nghiên cứu về nhận thức luận để
tìm hiểu khả năng tính của tri thức mà quên không tìm hiểu đời sống. Như
vậy cũng ngu xuẩn, bá láp như ve vãn một người đàn bà mà không cưới
người ta để sinh con đẻ cái, cũng như bận quân phục, đi từng đoàn ra chiến
trường để chẳng chiến đấu. Phù phiếm nhất là các triết gia Đức, họ ve vãn
chân lí y như những gã si tình mà rất ít kẻ kết hôn với chân lí .
5. VẤN ĐỀ HOẠ PHÚC
Đạo giáo nhận rằng không có gì là hoạ, là phúc, do đó mà đặc biệt tạo cho
người Trung Hoa cái tính tình ưa nhàn. Tư tưởng cốt yếu của đạo đó ở chỗ
cho hiện sinh quan trọng hơn sự biến hoá
, tư cách quan trọng hơn sự
thành công, và tĩnh thắng được động. Con người chỉ có thể bình thản được
khi không bị dao động vì hoạ phúc ở đời. Chúng ta còn nhớ truyện “Tái
ông thất mã” trong sách Hoài Nam Tử:
“Một ông lão ở biên cương mất con ngựa. Người ta lại hỏi thăm, ông bảo:
“Biết đâu đó chẳng phải là phúc?”. Ít ngày sau, con ngựa trở về, theo sau