“Thế thì tại sao ta không sống một đời nhàn tản?”.
6. BA TẬT CỦA NGƯỜI MĨ
Nhân sinh quan của người Mĩ ngược hẳn với người Trung Hoa. Trong một
xưởng nọ, tôi thấy một tấm bảng lớn với hàng chữ này: “Mới chỉ gần ngay
thì vẫn chưa được”. Người Mĩ khó chịu ở chỗ cầu toàn trách bị, khi một vật
nào đã gần ngay thì họ còn muốn làm cho ngay hơn nữa, cho thật ngay, còn
người Trung Hoa thì xính xái, cho gần ngay là được rồi.
Ba tật của người Mĩ là tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công.
Họ rất khổ, rất quạo quọ vì ba tật đó cướp mất của họ cái quyền nhàn tản,
cái quyền hưởng một buổi chiều an nhàn, vui vẻ. Chúng ta phải quen với ý
này đi: ở đời không có gì là tai hoạ cả và bên cạnh cái nghệ thuật làm việc
còn có một nghệ thuật cao cả hơn nữa là chẳng làm gì cả. Xét chung thì trả
lời ngay các bức thư với không trả lời, kết quả đại loại cũng gần như nhau.
Rút cục cũng chẳng có gì xảy ra cả, một bên không giúp cho người ta được
một vài việc tốt, còn một bên tránh được cho người ta vài cái hại. Đa số các
bức thư, có bỏ trong ngăn kéo ba tháng rồi lấy ra coi lại, sẽ thấy nếu trả lời
thì thật là mất thì giờ vô ích. Viết thư có thể sẽ thành một thói xấu nó làm
cho các văn sĩ, giáo sư thành những thầy kí rành nghề. Cho nên tôi hiểu tại
sao Thoreau khinh những người Mĩ ngày nào cũng ra sở bưu điện.
Vấn đề tranh luận của chúng ta không phải ở điểm: sự hiệu năng có ích hay
không. Tôi nhận rằng nhờ nó mà chúng ta có được những đồ dùng tốt, chế
tạo kĩ lưỡng. Tôi luôn luôn tin những vòi nước Mĩ hơn là những vòi nước
chế tạo ở Trung Hoa vì nó không rỉ nước. Vấn đề ở điểm này: những kẻ
lăng xăng với những kẻ nhàn tản, thì kẻ nào khôn hơn? Có hiệu năng mới
làm được việc, đồng ý, nhưng thói hiệu năng cũng cướp thì giờ của ta,
không cho ta rãnh rang để hưởng lạc, mà kích thích thần kinh ta quá vì cái