tật cầu toàn trách bị. Một viên chủ bút Mĩ lo đến bạc đầu vì ông ta không
muốn thấy một lỗi in nào trong tạp chí của ông. Viên chủ bút Trung Hoa
khôn hơn: để cho độc giả cái thú tìm ra được ít nhiều lỗi trên báo. Hơn nữa,
một tạp chí Trung Hoa có thể khởi đăng một truyện rồi nửa chừng bỗng
quên phắt nó đi. Ở Mĩ mà như vậy thì các ông chủ bút cho là trời sập rồi;
nhưng ở Trung Hoa điều đó chẳng quan trọng gì cả, chỉ vì nó chẳng có chút
quan trọng nào. Và người Trung Hoa luôn luôn đúng kì nếu để cho họ
thong thả. Rút cục họ cũng làm xong công việc đã dự tính, miễn là đừng
tính sát quá.
Cái tốc độ của đời sống kĩ nghệ hiện tại không cho ta nhàn tản ưu du nữa.
Tệ hơn nữa, nó bắt ta thay đổi quan niệm về thời gian mà người ta đo bằng
chiếc đồng hồ, rồi biến luôn con người thành chiếc đồng hồ. Ở Trung Hoa
cũng đương có tình trạng đó. Trong một xưởng hai vạn thợ thì tất nhiên
phải đúng thời khắc, nếu ai muốn tới lúc nào tuỳ ý thì sự hỗn độn sẽ kinh
khủng. Nhưng sự bắt buộc phải đúng giờ đó làm cho đời sống cực khổ, bực
bội quá đi. Biết rằng chiều nay, đúng năm giờ ta phải tới một nơi nào đó,
thế là mất toi cả buổi chiều, chỉ những lo ngai ngái sao cho khỏi trễ. Người
Mĩ nào cũng sắp đặt thời khắc y như ở trường tiểu học: ba giờ chiều làm
việc này, năm giờ làm việc kia, sáu giờ rưỡi thì thay quần áo, sáu giờ năm
mươi kiếm tắc xi, bảy giờ tới lữ quán. Đời sống mà như vậy thì còn giá trị
gì nữa?
Người Mĩ ngày nay đã tới một tình trạng bi đát là chẳng những họ lập thời
khắc biểu cho hôm sau hoặc tuần sau, mà còn lập trước cho tháng sau nữa.
Người Trung Hoa không khi nào hẹn gặp nhau ba tuần lễ trước khi và khi
nhận được một thiệp mời thì sung sướng thay, họ không bắt buộc phải trả
lời là nhận lời hay không. Họ có thể sẽ viết lên tấm thiệp chữ “sẽ tới” hoặc
“đa tạ” rồi gởi trả lại; nhưng thường thường họ chỉ viết “nhận được rồi” mà
chẳng cần cho biết quyết định ra sao: tới hay không tới. Một người Mĩ hay
Âu sống ở Thượng Hải có thể sẽ bảo trước cho tôi biết rằng ngày 19 tháng
4 năm 1938
, đúng ba giờ chiều, sẽ dự một hội nghị ở Ba Lê, rồi ngày